(KTSG) - Chưa chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã gây ra các trận bão ngoại giao quốc tế khi tuyên bố đòi sở hữu Greenland với lý do an ninh quốc gia và không loại trừ dùng sức mạnh quân sự. Người dân Greenland thoạt tiên nghĩ đây là lời nói đùa, nhưng nay bắt đầu thấy lo lắng. Có khả năng nào ý định của ông Trump trở thành sự thật?
- Tổng thống Trump nhắm mua đảo Greenland vì nguồn lợi đất hiếm
- Phát hiện mỏ đất hiếm lớn, châu Âu kỳ vọng thoát phụ thuộc vào Trung Quốc
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, diện tích lên đến 2.166.000 ki lô mét vuông nhưng dân số chỉ có 56.500 người, chủ yếu là dân Inuit, một sắc dân hiện cũng đang sinh sống ở Alaska và Canada. Đan Mạch cai trị Greenland như một thuộc địa từ năm 1700 đến giữa thế kỷ 20. Trong Thế chiến thứ II, Mỹ lập một căn cứ quân sự lớn tại Greenland giữ cho hòn đảo không rơi vào tay Đức quốc xã, mặc dù Đức đã chiếm Đan Mạch.
Sau thế chiến, Mỹ đòi mua Greenland nhưng lúc đó Đan Mạch không bán. Năm 1953, Greenland được sáp nhập vào Đan Mạch và đến năm 1979 được hưởng quy chế tự trị, có quốc hội riêng. Năm 2009, Đan Mạch mở rộng quyền tự trị cho Greenland, kể cả cho phép vùng đất này trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập nếu muốn. Cho đến nay Greenland chưa làm việc này vì đang phụ thuộc nhiều vào Đan Mạch, từ y tế đến giáo dục và một khoản bù ngân sách do Đan Mạch cấp hàng năm chừng 500 triệu đô la.
Với nước Mỹ, việc mua lãnh thổ của nước khác đã từng xảy ra. Tổng thống Thomas Jefferson mua vùng đất Louisiana từ Pháp vào năm 1803 với giá 15 triệu đô la, một thương vụ quá hời, giúp mở rộng nước Mỹ lên gấp đôi. Năm 1867, Mỹ lại mua được vùng Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu đô la, tương đương với chừng 162 triệu đô la thời giá bây giờ. Lúc đó người thương thảo vụ mua bán này là Ngoại trưởng William Seward; nhiều người chê trách mua vùng đất xa xôi lạnh lẽo phí tiền nên ví von đây là một sự “điên rồ của Seward”. Ngày nay cả hai thương vụ được đánh giá như những thành tựu ngoại giao - kinh tế to lớn trong lịch sử nước Mỹ.
Với Greenland, thật ra ông Trump đã từng ngỏ ý muốn mua từ năm 2019 vào nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Lãnh đạo Đan Mạch trước sau đều khẳng định vùng đất này không phải để bán, nhưng cũng nhấn mạnh tương lai Greenland tùy thuộc vào quyền quyết định của người dân Greenland. Dân Greenland gần đây lại tỏ ra bất bình với Đan Mạch, nhất là khi họ phát hiện bác sĩ Đan Mạch đã đặt vòng tránh thai cho hàng ngàn phụ nữ bản địa vào những thập niên 1960, 1970 mà không cho họ biết.
Greenland vừa có vị trí chiến lược quan trọng, nhất là khi biến đổi khí hậu làm giao thông đường biển dễ dàng hơn, vừa giàu tài nguyên thiên nhiên như cobalt, đồng, kẽm, dầu mỏ… Các mỏ dầu ngoài khơi Greenland có thể cho sản lượng chừng 52 tỉ thùng, chiếm 3% trữ lượng thế giới. Việc khai thác tài nguyên ở Greenland rất khó khăn vì bốn phần năm diện tích phủ trong băng giá, chưa có đường sá kết nối các khu dân cư. Do Trái đất đang nóng dần lên, nhiều nguồn tài nguyên nay có thể khai thác; hiện các doanh nghiệp đang khoan thăm dò đến 170 địa điểm, so với chỉ 12 địa điểm cách đây một thập niên.
Tờ Economist đặt câu hỏi, giả định ông Trump muốn mua Greenland thật, cái giá phải trả là bao nhiêu? GDP hàng năm của hòn đảo này vào khoảng 3 tỉ đô la, theo số liệu năm 2021. Chừng 43% lực lượng lao động làm cho khu vực nhà nước; một nửa ngân sách hàng năm do Đan Mạch trợ cấp. Ngành nghề kinh tế chính là đánh cá… Tờ Economist tính toán bằng cách chiết khấu dòng tiền để ra cái giá mua Greenland chừng đâu đó 50 tỉ đô la! Dĩ nhiên Mỹ muốn mua Greenland không phải để khai thác tài nguyên mà do vị trí địa lý đem lại các lợi thế, kể cả quân sự.
Việc thương lượng mua lại Greenland, theo tờ Economist, sẽ không phải với Đan Mạch mà với chính người dân Greenland. Với mức định giá 50 tỉ đô la như trên, tính ra mỗi người dân Greenland sẽ được chừng 1 triệu đô la - tất cả sẽ trở thành triệu phú.
Một dấu hiệu cho thấy ý muốn của ông Trump là thật khi tuần trước con trai của ông, Donald Trump Jr., xuất hiện ở Nuuk, thủ đô Greenland. Tuy anh này nói chuyến đi mang tính riêng tư, nhưng ông Trump vẫn tường thuật trên mạng xã hội, kèm theo câu “Make Greenland Great Again” (làm cho Greenland vĩ đại trở lại, nhái theo câu ông thường nói “Make America Great Again”).
Hiện nay, theo tường thuật của tờ New York Times, người dân Greenland không muốn giàu theo kiểu đó. Họ nói đất nước tươi đẹp của họ không phải là một thứ tài sản có thể đem ra bán. Một trong hai đại diện Greenland tại quốc hội Đan Mạch lo ngại ông Trump sẽ khuấy động chuyện đòi độc lập để thúc đẩy việc mua bán, biến Greenland thành quân cờ giữa Mỹ và Đan Mạch. Nhiều người dân bản địa nói Greenland hoàn toàn có thể tự mình khai thác tài nguyên thiên nhiên; vì sao lại từ bỏ bản sắc và chịu sự kiểm soát của Washington.