Mỹ: dùng bản đồ Google để giảm tai nạn đường sắt
Thái Bình
![]() |
Một điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt ở New Jersey, nơi đã xảy ra 29 vụ tai nạn từ năm 1975 đến nay. Ảnh NYT |
(TBKTSG Online) - Trước tình hình tai nạn đường sắt tăng vọt trong năm ngoái, Cục Đường sắt liên bang Mỹ hôm 29-6 cho biết có kế hoạch hợp tác với Google để đưa lên bản đồ Google Maps tất cả các điểm giao cắt đường sắt trong cả nước, coi đây là biện pháp quan trọng làm giảm thiểu tai nạn.
Theo số liệu thống kê, cả nước Mỹ có khoảng 130.000 điểm giao nhau đồng mức giữa đường sắt và đường bộ công cộng, 85.000 điểm giao cắt với đường tư nhân. Phần lớn những điểm giao cắt này không có người gác mà chỉ có biển báo hoặc đèn tín hiệu màu đỏ bật sáng khi có tàu lửa đến gần nhưng nhiều khi không gây được sự chú ý của người đi đường.
Số vụ tai nạn đường sắt ở các điểm giao cắt này đã giảm hơn 80%, từ 12.000 vụ mỗi năm trong thập niên 1970 xuống còn khoảng 2.000 vụ mỗi năm hiện nay. Tuy nhiên, từ năm ngoái, số vụ tai nạn lại tăng thêm 9%. Năm ngoái có 270 người chết, 843 người bị thương vì tai nạn đường sắt, cao hơn mức 232 người chết của năm trước. Theo bà Joyce Rose, Chủ tịch nhóm giáo dục về an toàn đường sắt Operation Lifesaver, trên toàn nước Mỹ cứ 3 tiếng đồng hồ lại xảy ra một vụ va chạm giữa tàu lửa và xe hơi, chủ yếu ở các đường ngang không có người gác.
Trước tình hình trên, Cục Đường sắt liên bang Mỹ (FRA) đã tính chuyện nhờ tới công nghệ. Hiện các đại gia công nghệ Mỹ - Google, Facebook, Apple – đều đã có phần mềm bản đồ số chạy trên điện thoại thông minh. Và người lái xe ngày càng dựa vào các bản đồ số này để tìm đường đi; bản đồ Google Maps của Google là ứng dụng bản đồ phổ biến nhất, chạy được trên các điện thoại Android lẫn iPhone, không chỉ ở Mỹ mà có ở nhiều nước khác, kể cả Việt Nam.
Đại diện của Google cho biết, Google sẵn sàng tích hợp kho dữ liệu khổng lồ của Bộ Giao thông Mỹ về vị trí các điểm giao cắt vào bản đồ Google Maps, đồng thời đưa thêm vào ứng dụng tính năng cảnh báo bằng âm thanh và hình ảnh mỗi khi lái xe đến gần các điểm giao cắt. Khi tài xế chạy xe đến gần điểm giao cắt với đường sắt thì điện thoại của anh ta sẽ lên tiếng báo động, yêu cầu tài xế phải chú ý quan sát.
Ngoài Google, FRA cũng đã làm việc với 4 công ty bản đồ số và thiết bị định vị vệ tinh GPS như Apple, MapQuest, TomTom và Garmin để cải thiện bản đồ và thiết bị dẫn đường của họ theo kiểu như Google.
Chưa rõ khi nào thì các điểm giao cắt đường sắt sẽ bắt đầu được hiển thị trên Google Maps nhưng cả Google và FRA đều khẳng định, đây là một công việc được dành ưu tiên cao.
Trước đây, Bộ Giao thông Mỹ cũng đã lập ra một ứng dụng di động chỉ rõ các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt nhưng không có tính năng cảnh báo; vì thế nó không được sử dụng nhiều. Cục trưởng FRA hiện thời của Mỹ, bà Sarah Feinberg, nguyên là một chuyên viên của Facebook, cho rằng, tai nạn đường sắt là hoàn toàn có thể tránh được nếu biết sử dụng công nghệ một cách thông minh; và sự hợp tác với Google là một hướng đi như vậy.