Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ hạn chế đầu tư vào lĩnh vực chip, AI và máy tính lượng tử ở Trung Quốc

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macao trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và công nghệ máy tính lượng tử. Sắc lệnh dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

Tổng thống Joe Biden cảnh báo rằng những tiến bộ trong công nghệ nhạy cảm của các quốc gia có liên quan gây ra "mối đe dọa bất thường và đặc biệt" đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, sắc lệnh ban hành hôm 9-8 cấm công dân Mỹ thực hiện "một số giao dịch nhất định" trong chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và lĩnh vực AI, đồng thời yêu cầu họ phải thông báo cho Bộ Tài chính khi thực hiện các giao dịch đó. Sắc lệnh này cũng quy định sẽ có một số lĩnh vực bị cấm tuyệt đối không được đầu tư.

“Tình trạng khẩn cấp quốc gia” đối phó với đánh cắp công nghệ

Trong sắc lệnh hành pháp được chờ đợi từ lâu – theo mô tả của các hãng thông tấn, Tổng thống Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với "các quốc gia đáng lo ngại" đang phát triển nhanh chóng "các công nghệ nhạy cảm", giúp "tăng cường đáng kể khả năng tiến hành các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ”. Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macao được nêu ra trong khuôn khổ sắc lệnh này, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

Sắc lệnh mới sẽ được Bộ Tài chính thực hiện với sự tham vấn của các cơ quan khác, bao gồm cả Bộ Thương mại. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến ​​công chúng về việc thực hiện sắc lệnh này ra sao.

Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ sau đó nói “đây là một hành động có mục tiêu hẹp là bảo vệ an ninh quốc gia trong khi duy trì cam kết lâu dài của nước Mỹ đối với đầu tư mở". Bộ này cũng cho biết dự kiến sẽ miễn trừ "một số giao dịch nhất định, bao gồm cả những giao dịch có khả năng xảy ra trong các công cụ được giao dịch công khai và chuyển nội bộ công ty từ công ty mẹ ở Mỹ sang các công ty con ở nơi khác”.

Thông cáo ghi rõ: "Là một phần của chiến lược toàn diện, dài hạn nhằm thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang khai thác hoặc có khả năng khai thác các khoản đầu tư của Mỹ để tăng cường khả năng sản xuất một tập hợp hẹp các công nghệ nhạy cảm quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa quân đội của nước này”.

Ý tưởng sàng lọc đầu tư sang Trung Quốc đã được đưa ra trước đây. Đạo luật Hiện đại hóa Đánh giá Rủi ro Đầu tư Nước ngoài năm 2018, được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, ban đầu bao gồm các điều khoản trao cho Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ quyền xem xét các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Nhưng việc vận động hành lang từ cộng đồng doanh nghiệp đã khiến các doanh nghiệp này được miễn trừ.

Một thách thức trong việc soạn thảo sắc lệnh mới là cụ thể hơn và hiệu quả hơn, nhưng không quá cứng rắn khiến Washington không được sự ủng hộ của các cộng đồng doanh nghiệp.

Chuẩn bị cho dự luật cấm đầu tư ra nước ngoài

CEO Shehzad Qazi của China Beige Book, hãng tư vấn cho các nhà đầu tư muốn làm ăn ở Trung Quốc, cho rằng: “Các nhà đầu tư không nên phản ứng thái quá với sắc lệnh mới. Bởi sắc lệnh phần lớn đại diện cho một chiến thắng cho ngành công nghệ cao. Bây giờ, trọng tâm nên là loại phản ứng lập pháp nào mà chúng ta sẽ nhận được từ Quốc hội vốn đang tập trung vào việc đưa ra một dự luật hạn chế đầu tư ra nước ngoài rộng lớn hơn”.

Sắc lệnh được đưa ra vào dịp kỷ niệm ngày ông Biden ban hành luật CHIPS và Đạo luật Khoa học được sự ủng hộ của cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, với những hạn chế đối với việc đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở Trung Quốc.

Các lệnh về hạn chế đầu tư vào Trung Quốc dự kiến sẽ làm tăng thêm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Mỹ đã ban hành một số lệnh cấm xuất khẩu để hạn chế quyền tiếp cận của một số công ty Trung Quốc vào chip AI và thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Bộ Tài chính cho biết chương trình an ninh quốc gia mới sẽ "ngăn cản các khoản đầu tư của Mỹ có thể giúp đẩy nhanh quá trình bản địa hóa các công nghệ này ở Trung Quốc, làm suy yếu hiệu quả của các chương trình kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư trong nước hiện, vốn nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của nước Mỹ”.

Sắc lệnh mô tả các quốc gia lo ngại khai thác các khoản đầu tư của Mỹ cũng như cái gọi là "lợi ích vô hình" thường đi kèm với khoản đầu tư này, như khả năng tiếp cận thị trường và kết nối mạng tốt hơn.

CEO H.K. Park của hãng tư vấn công nghệ Crumpton Global có trụ sở ở Washington nói ông rất ấn tượng với “ngôn từ mạnh mẽ” của sắc lệnh. Crumtpton Global đang chuẩn bị cho các nhà đầu tư tìm hiểu và tuân thủ các quy định mới.

"Cho đến nay, cuộc tranh luận tập trung vào đầu tư ra bên ngoài, chứ không phải chuyên môn bên ngoài, tức thất thoát chất xám và công nghệ. Một quy định của Bộ Tài chính nhằm hạn chế tình trạng này sẽ là toàn diện hơn nhưng cũng khó thực hiện hơn", Park nói.

Theo Nikkei Asia, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới