Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CORE từ Việt Nam

Công Phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.

Hình ảnh có tính chất minh hoạ. Ảnh: TL

TTXVN dẫn thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ bị điều tra, gồm Canada, Mexico, Brazil, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Việt Nam, Úc, và Nam Phi. Đây đều là các quốc gia thuộc top 10 xuất khẩu sản phẩm bị điều tra vào Mỹ, chiếm tới 75% kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ năm 2023.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, trong thông báo khởi xướng, DOC xác định trong 3 năm 2021-2023, Việt Nam xếp thứ 3 trong số 10 nước bị điều tra, chỉ sau Canada và Mexico. Thời kỳ điều tra chống bán phá giá là 6 tháng đầu năm 2024 và chống trợ cấp là năm 2023. Thời kỳ điều tra thiệt hại là 3 năm (2021-2023). Mức biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 195,23%, cao hơn so với biên độ phá giá cáo buộc trong đơn kiện và cao nhất trong số 10 nước bị điều tra.

DOC dự định sử dụng giá trị thay thế của Mỹ và Maroc, quốc gia nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam. Các bên có thời hạn bình luận về nước và giá trị thay thế trong vòng 30 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc.

Hiện tại, DOC chưa đưa ra biên độ trợ cấp cáo buộc nào đối với Việt Nam. DOC đã khởi xướng điều tra 26 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, thuộc nhóm các chương trình cho vay gồm các chương trình cho vay của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chính sách khác; chương trình bao thanh toán, bảo lãnh xuất khẩu, cho vay ưu đãi xuất khẩu của 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước là Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV do các ngân hàng này chịu sự can thiệp của Chính phủ; chương trình tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các chương trình hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Cùng đó là nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, gồm các chương trình về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong các khu vực đặc biệt, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà xuất khẩu, ưu đãi thuế cho dự án đầu tư cũ, dự án đầu tư mới, ưu đãi thuế theo Nghị định 24/2007/NĐ-CP, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chương trình khấu hao nhanh và tăng chi phí được giảm trừ.

Nhóm các chương trình ưu đãi miễn và hoàn thuế nhập khẩu gồm các chương trình về miễn thuế nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; hoàn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu thô để sản xuất hàng xuất khẩu; miễn thuế nhập khẩu khi nhập khẩu vào khu công nghiệp; miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp FDI, miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu thô cho doanh nghiệp chế xuất và khu chế xuất xuất khẩu; miễn thuế nhập khẩu với nguyên liệu và máy móc.

Nhóm các chương trình ưu đãi về đất gồm các chương trình miễn giảm tiền thuê cho ngành được khuyến khích, miễn thuế/phí sử dụng đất cho ngành được khuyến khích, miễn hoặc giảm tiền thuê cho doanh nghiệp FDI.

Chương trình tài trợ gồm các chương trình tài trợ xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư. Cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi gồm các chương trình cung cấp các tiện ích điện, nước và tiện ích khác cho doanh nghiệp với mức giá ưu đãi.

Về quy trình thủ tục điều tra, sau khi khởi xướng điều tra, DOC đã ban hành Bản câu hỏi về Lượng và Giá trị (Q&V) cho cả 2 vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp để thu thập thông tin, nhằm lựa chọn bị đơn bắt buộc. Thời hạn trả lời là ngày 9-10-2024, có thể xin gia hạn. Các doanh nghiệp không nhận được bản câu hỏi Q&V nhưng có xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ trong thời kỳ điều tra vẫn cần trả lời để được tính thuế riêng.

Theo thông lệ, DOC sẽ dựa trên phản hồi Bản câu hỏi Q&V và số liệu của Hải quan Mỹ để lựa chọn 2 bị đơn bắt buộc (thường là các nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam theo số liệu của Hải quan Mỹ trong giai đoạn điều tra). Các bị đơn bắt buộc sẽ được điều tra và xác định biên độ phá giá/biên độ trợ cấp riêng.

Riêng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, trong trường hợp không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc, các doanh nghiệp được phép đăng ký hưởng thuế suất riêng rẽ. Các doanh nghiệp cần chứng minh hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm soát của Chính phủ cả về pháp lý và thực tiễn. Mức thuế suất riêng rẽ bằng bình quân gia quyền các biên độ phá giá của các bị đơn bắt buộc (loại trừ các biên độ bằng 0, de minimis, và biên độ dựa trên dữ liệu sẵn có bất lợi). Thời hạn để nộp Đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ là 30 ngày kể từ ngày khởi xướng.

Trong trường hợp doanh nghiệp không nộp Đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ hoặc doanh nghiệp đã nộp, nhưng không được chấp nhận, thì biên độ phá giá dành cho các doanh nghiệp sẽ là biên độ phá giá chung (thường bằng biên độ cáo buộc).

Sau khi xác định được bị đơn bắt buộc, DOC sẽ ban hành Bản câu hỏi điều tra dành cho bị đơn bắt buộc. Trong vụ việc chống trợ cấp, DOC sẽ ban hành thêm Bản câu hỏi điều tra dành cho Chính phủ. Thời hạn trả lời thường là 30 ngày kể từ ngày ban hành bản câu hỏi ban đầu (có thể xin gia hạn). DOC có thể ban hành các bản câu hỏi bổ sung với thời hạn ngắn hơn.

Đối với điều tra chống bán phá giá khởi xướng điều tra chống bán phá giá sẽ khởi xướng ngày 25-9-2024; kết luận sơ bộ ngày 12-2-2025; kết luận cuối cùng ngày 28-4-2025 và ban hành lệnh áp thuế ngày 20-6-2025.

Tương tự, đối với mốc thời gian điều tra chống bán trợ cấp khởi xướng ngày 25/9/2024; kết luận sơ bộ ngày 29-11-2024; kết luận cuối cùng ngày 12-2-2025 và ban hành lệnh áp thuế ngày 17-4-2025.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới