Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ muốn hợp tác với châu Âu để thúc đẩy thép ‘xanh’ 

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi một đề xuất tới Liên minh châu Âu (EU) về việc thành lập một nhóm hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại đối với những sản phẩm thép và nhôm được sản xuất theo quy trình phát thải carbon ít hơn. Đồng thời, nhóm này sẽ áp thuế đối với thép và nhôm từ các nước không đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất thân thiện với môi trường.

Thép mạ kẽm tại một dây chuyền sản xuất sử dụng nhiên liệu hydrogen thay vì than ở một nhà máy thép tại Salzgitter, Đức. Ảnh: Bloomberg

Tài liệu sơ bộ về đề xuất này, được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) soạn thảo, đã cung cấp cái nhìn cụ thể đầu tiên về một thỏa thuận thương mại mới mà Nhà Trắng xem là nền tảng trong cách tiếp cận chính sách thương mại của mình.

Nhóm được đề xuất thành lập, được gọi là Thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững, sẽ sử dụng sức mạnh của thị trường Mỹ và châu Âu để thúc đẩy các ngành công nghiệp kim loại ở thị trường nội địa của họ chuyển sang các phương pháp sản xuất sạch hơn, giúp giảm tác động đối khí hậu. Để làm được như vậy, các nước thành viên của nhóm cùng nhau áp đặt một loạt thuế đối với các kim loại được sản xuất theo quy trình gây ô nhiễm môi trường.

Thuế phạt này dự kiến nhằm vào Trung Quốc và các nước khác không tham gia nhóm. Các nước tham gia nhóm sẽ được hưởng các điều khoản thương mại thuận lợi của nhau, đặc biệt là đối với thép và nhôm được sản xuất sạch hơn.

Để tham gia nhóm, các nước phải đảm bảo các ngành công nghiệp thép và nhôm của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn khí thải nhất định, theo tài liệu sơ bộ. Các chính phủ cũng sẽ phải cam kết không sản xuất quá mức thép và nhôm, vốn đã đẩy giá kim loại toàn cầu xuống thấp. Dù tài liệu của USTR không đề cập đến Trung Quốc, nhưng những yêu cầu như vậy dường như ngăn cản nước này trở thành thành viên của nhóm mới.

Mỹ và EU đã đàm phán về một thỏa thuận thương mại liên quan đến khí hậu đối với ngành thép và nhôm kể từ năm ngoái. Trước nay chưa có hiệp định thương mại nào của Mỹ đặt ra các mục tiêu cụ thể về hạn chế lượng thải carbon.

Không rõ đề xuất của USTR sẽ nhận được phản hồi như thế nào từ các nhà lãnh đạo châu Âu, cũng như liệu ngành công nghiệp sản xuất và các nhà chính trị Mỹ có ủng hộ ý tưởng này hay không.

Trong những tuần gần đây, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang phản đối mạnh mẽ các điều khoản ưu đãi sản xuất xe điện ở khu vực Bắc Mỹ trong Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ được ban hành hồi tháng 8. Họ nói rằng các ưu đãi này sẽ khiến các ngành công nghiệp xe điện của họ gặp bất lợi.

Sau cuộc họp với các quan chức châu Âu trong tuần này, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã gọi nỗ lực thúc đẩy sản xuất thép và nhôm “sạch” là một trong những điều quan trọng nhất mà Mỹ và EU đang hợp tác ở khía cạnh thương mại. Bà nói “nỗ lực này đang đi đúng hướng” để đạt được mục tiêu hoàn thành vào năm tới.

Valdis Dombrovskis, Cao ủy thương mại EU, cho hay các phương pháp mà Mỹ và châu Âu đang phát triển để đo lượng khí thải carbon trong hoạt động sản xuất thép và nhôm có thể được mở rộng sang các sản phẩm khác, như một phần của sáng kiến xuyên Đại Tây Dương mới về thương mại bền vững mà các bên đã đồng ý khởi động.

Các sản phẩm thép của Mỹ được sản xuất trong những quy trình sạch nhất nhờ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn của nước này và việc tập trung vào nỗ lực tái chế kim loại phế liệu. Thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững được thiết kế để tận dụng những lợi thế đó và giúp các công ty thép của Mỹ chống lại sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất thép và nhôm được trợ cấp lớn ở Trung Quốc và các nước khác.

Nhưng Mỹ cũng là nơi có nhiều ngành công nghiệp mua thép và nhôm nước ngoài để chế tạo thành các sản phẩm khác. Họ có thể phản đối thỏa thuận như vậy vì điều này sẽ làm tăng chi phí của họ.

Việc phát triển một phương pháp tính toán lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất bất kỳ sản phẩm cụ thể nào vẫn đang ở giai đoạn đầu và cần phải thu thập thêm nhiều dữ liệu ở cấp độ sản phẩm và công ty cụ thể.

Cả Mỹ và châu Âu đều muốn mở rộng tư cách thành viên của nhóm sang bất kỳ nước nào có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của nhóm. Nhưng việc thành lập một nhóm như vậy có thể dẫn đến sự trả đũa từ Trung Quốc, hoặc bị khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tài liệu của USTR đề xuất một hệ thống thuế quan theo từng cấp, tăng dần theo mức độ khí carbon thải ra trong quá trình sản xuất một mặt hàng thép hoặc nhôm cụ thể. Thuế quan tăng thêm sẽ được đánh vào bất kỳ sản phẩm thép, nhôm nào đến từ các nước không phải là thành viên của Thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững. Thuế suất sẽ bắt đầu từ 0 đối với các sản phẩm sạch nhất từ các nước thành viên. Ngoài ra, tài liệu không xác định cụ thể mức thuế tăng thêm, thay vào đó biểu thị chúng là X, Y hoặc Z.

Các ngưỡng về thuế suất đối với sản phẩm thép và nhôm của các nước thành viên sẽ tăng theo thời gian nhằm khuyến khích họ tiếp tục làm sạch các ngành công nghiệp. Tài liệu của USTR cho rằng cách tiếp cận này sẽ “khuyến khích ngành công nghiệp thép và nhôm trên toàn cầu khử carbon như một điều kiện để tiếp cận thị trường”.

Todd Tucker, Giám đốc chính sách công nghiệp và thương mại tại Viện Roosevelt, có trụ sở ở New York, cho rằng Mỹ và EU dường như ủng hộ một lộ trình tham vọng hơn nhằm giải quyết vấn đề thương mại thép toàn cầu. Ông nói: “Điều đó có nghĩa là tận dụng sức mạnh của thị trường Mỹ và châu Âu để thúc đẩy quá trình phi carbon hóa trên thị trường thép toàn cầu”.

Theo NY Times

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới