Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ muốn mở rộng thương chiến Mỹ – Trung

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngay sau công bố mức thuế cao đánh lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ lại kêu gọi các nước châu Âu tham gia đánh thuế như vậy để kiềm chế chiến lược sản xuất hàng giá rẻ xuất đi khắp thế giới của Trung Quốc. Một liên minh như thế sẽ là dấu chấm hết cho thời kỳ toàn cầu hóa, thương mại tự do kéo dài gần cả nửa thế kỷ.

Trước cuộc họp các bộ trưởng tài chính của các nước G7 ở Ý, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại Frankfurt rằng chiến lược công nghiệp của Trung Quốc đặt ra một mối nguy toàn cầu, cần có một phản ứng thống nhất. Thực chất chiến lược công nghiệp này chỉ là năng lực sản xuất dư thừa dẫn đến việc Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa bằng mọi giá. Bà Yellen nói: “Chính sách công nghiệp của Trung Quốc dường như là chuyện xa xôi với những người đang ngồi ở đây, nhưng nếu chúng ta không đáp trả có tính chiến lược và thống nhất, tính sống còn của doanh nghiệp ở cả hai nước chúng ta sẽ bị rủi ro”.

Điều đáng ngạc nhiên là Mỹ lo ngại nỗ lực tài trợ cho các ngành năng lượng sạch và các công nghệ thế hệ mới bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất sắt thép, xe điện, pin mặt trời vừa nhiều, vừa rẻ. Thay vì nhập khẩu các hàng hóa giá rẻ này để chuyển đổi nền kinh tế, Mỹ muốn châu Âu cùng họ ngăn ngừa một cú sốc Trung Quốc thứ nhì. Cú sốc thứ nhất đã diễn ra vào thập niên 2000, khi hàng hóa đủ loại của Trung Quốc tràn ngập thị trường, bóp chết nhiều ngành nghề sản xuất ở Mỹ, làm hàng triệu người mất việc làm. Cú sốc thứ nhì, nếu tái diễn, sẽ xóa sổ các ngành Mỹ đang dày công xây dựng như sản xuất xe điện, chất bán dẫn, năng lượng xanh sạch.

Mỹ kỳ vọng châu Âu sẽ áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp nhiều loại thuế, trong đó cao nhất là thuế xe điện, lên đến 100%. Chính quyền ông Biden cũng tiếp tục áp dụng mức thuế cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt vào năm 2018 lên trên 300 tỉ đô la trị giá hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Lập luận của bà Yellen tập trung vào nỗ lực chiếm lĩnh thị trường công nghệ năng lượng sạch, cho rằng nếu để Trung Quốc một mình một chợ, các nước khác, kể cả các nước đang phát triển sẽ khó lòng tự xây dựng các ngành thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và rơi vào chỗ phụ thuộc.

Các quan chức châu Âu đang xem xét khả năng đánh thuế bổ sung lên xe điện Trung Quốc. Áp lực thuế cao từ Mỹ khiến châu Âu sẽ phải cân nhắc các loại thuế khác để tránh cảnh hàng Trung Quốc né thuế ở Mỹ lại tràn sang châu Âu. Hiện nay chừng 37% xe điện nhập vào châu Âu là từ Trung Quốc, kể cả xe do các hãng Trung Quốc sản xuất và xe của nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc như của Tesla và các hãng tên tuổi khác. Châu Âu là thị trường xe điện lớn thứ nhì thế giới, nhập khẩu năm ngoái tăng vọt lên 11,5 tỉ đô la, tăng mạnh so với chỉ 1,6 tỉ đô la năm 2020.

Nhưng khác với Mỹ, Ủy ban châu Âu đang điều tra xem trợ giá của Trung Quốc rót vào các hãng xe để làm ra xe điện giá rẻ có gây hại cho ngành ô tô châu Âu hay không. Ngành ô tô đang tạo ra gần 14 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp ở châu Âu; năm ngoái họ xuất khẩu được 6 triệu chiếc xe hơi, tạo ra mức thặng dư thương mại đến 100 tỉ euro. Việc điều tra của châu Âu có thể dẫn đến mức thuế chống bán phá giá đánh lên xe điện Trung Quốc ngay trong tháng 7 này, nhưng mức thuế sẽ thấp hơn mức 100% của Mỹ.

Nội bộ châu Âu thật ra vẫn còn chưa thống nhất về chuyện đánh thuế xe điện Trung Quốc. Có nước như Đức, là nơi sản xuất xe điện lớn nhất châu Âu, lại phản đối chuyện điều tra. Quan chức Đức bày tỏ mối lo ngại nếu áp dụng thuế mang tính trừng phạt sẽ buộc Trung Quốc trả đũa, trong đó có khả năng đóng cửa nhà máy của các hãng xe Đức như BMW và Volkswagen.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, từng phát biểu: “Chúng ta không được quên các hãng sản xuất châu Âu, và một số hãng của Mỹ đang thành công trên thị trường Trung Quốc; họ cũng bán được nhiều xe sản xuất ở châu Âu vào Trung Quốc”. Ông nói thêm ít nhất một nửa xe điện nhập vào châu Âu từ Trung Quốc là do các hãng phương Tây sản xuất.

Cuộc điều tra của châu Âu không tập trung vào việc Trung Quốc có bán phá giá xe điện vào châu Âu mà vào chuyện bằng cách nào các khoản trợ cấp cho các hãng xe Trung Quốc lớn như BYD, Geely và SAIC giúp họ bán xe với giá rẻ. Cũng vì thế chính quyền Trung Quốc phê phán châu Âu không điều tra các hãng xe phương Tây có nhà máy tại Trung Quốc, kể cả Tesla là hãng có xe xuất đi châu Âu nhiều hơn các hãng khác.

Rhodium Group, một tổ chức nghiên cứu cho rằng để hóa giải mức trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc, châu Âu sẽ phải đánh thuế chừng 50% lên xe điện Trung Quốc nhưng dự đoán mức thuế cao này không xảy ra. Họ cho rằng mức thuế từ 15-30% sẽ thực tế hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới