Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ tăng cường giám sát nhân tài Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ tăng cường giám sát nhân tài Trung Quốc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Cuộc đối đầu Mỹ-Trung bắt đầu từ lĩnh vực thương mại lan sang công nghệ và giờ đây là lĩnh vực giáo dục.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu để mắt đến những nhân tài sáng giá nhất của Trung Quốc đang học tập và nghiên cứu tại Mỹ, siết chặt giám sát các nhà nghiên cứu có mối quan hệ với Bắc Kinh và hạn chế cấp thị thực du học đối với sinh viên Trung Quốc.

Mỹ tăng cường giám sát nhân tài Trung Quốc
Mỹ lo ngại Bắc Kinh sử dụng các sinh viên tốt nghiệp và các nhà nghiên cứu tại Mỹ để tiến hành các hoạt động gián điệp kinh tế. Ảnh: Bloomberg

Trong những tuần gần đây, một số sinh viên mới tốt nghiệp và học giả của Trung Quốc tại Mỹ cho biết họ nhận thấy môi trường việc làm và nghiên cứu ở Mỹ đang trở nên kém thân thiện.

Đại học Emory ở bang Georgia (Mỹ) đã sa thải hai giáo sư người Mỹ gốc Hoa hôm 16-5 vì cho rằng họ giấu các mối quan hệ của họ với các tổ chức ở Trung Quốc.

Trước đó một tháng, Trung tâm ung thư M.D. Anderson của Đại học Texas cũng sa thải ba nhà nghiên cứu người Trung Quốc cũng với lý do tương tự.

Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm 3-6 đã cảnh báo các bậc phụ huynh về các rủi ro khi cho con cái sang Mỹ du học. Bộ này cho biết gần đây, Mỹ kéo dài thời gian thị thực du học cho sinh viên Trung Quốc đồng thời số đơn xin thị thực du học của sinh viên nước này bị Mỹ từ chối cũng tăng vọt.

Bộ Giáo dục Trung Quốc nói, các cáo buộc của Mỹ cho rằng các sinh viên Trung Quốc tiến hành “các hoạt động gián điệp phi truyền thống” là vô căn cứ.

“Tôi lo lắng, thậm chí cảm thấy buồn bởi cuộc xung đột không cần thiết này”, Liu Yuanli, Giám đốc sáng lập Sáng kiến Trung Quốc ở Trường Y tế cộng đồng thuộc Đại học Harvard và giờ đây là Hiệu trưởng trường Y tế cộng đồng thuộc Liên minh Đại học Y khoa Bắc Kinh, nói.

“Các hạn chế đối với sinh viên và học giả Trung Quốc là phi lý và đi ngược lại với các giá trị cốt lõi giúp Mỹ trở thành một đất nước vĩ đại”, ông nhấn mạnh.

Liu Yuanli là một người đã gia nhập chương trình “Ngàn nhân tài” (Thousand Talents Program) của Trung Quốc được thiết lập vào năm 2008 nhằm khuyến khích các công dân ưu tú nhất ở nước ngoài trở về giúp phát triển kinh tế ở quê nhà. Gần đây, Trung Quốc tránh nhắc đến chương trình này khi Mỹ ngày càng lo ngại về các hoạt động của chương trình.

Các diễn biến trên cho thấy cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung đang làm thay đổi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới từ chỗ phụ thuộc lẫn nhau chuyển sang nghi kị lẫn nhau. Mỹ đã gia tăng đánh thuế hàng hóa Trung Quốc và lập một danh sách đen liệt kê các công ty nước ngoài bị cáo buộc gây rủi ro an ninh quốc gia cho Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc cũng thiết lập một danh sách đen đối với các công ty nước ngoài “không đáng tin cậy”.

Trong nhiều thập kỷ qua, giáo dục là một khía cạnh hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước. Lượng sinh viên Trung Quốc tăng vọt đã đóng góp lớn cho nguồn thu của các trường đại học ở Mỹ, trong khi đó, điều này cho phép Trung Quốc tiếp cận các trung tâm nghiên cứu tốt nhất thế giới.

Năm ngoái, Mỹ tiếp nhận hơn 360.000 sinh viên từ Trung Quốc, cao hơn lượng du học sinh của bất cứ nước nào  theo một báo cáo gần đây của Viện Giáo dục quốc tế (Mỹ). Sinh viên Trung Quốc đóng góp khoảng 14 tỉ đô la cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2017.

Tuy vậy, giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng phát, số sinh viên Trung Quốc sang Mỹ du học chỉ tăng 3,6% vào năm ngoái.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết tỷ lệ sinh viên được chính phủ Trung Quốc cấp học bổng sang Mỹ du học bị Mỹ từ chối cấp thị thực tăng lên mức 13,5% trong trong ba tháng đầu năm nay, cao hơn với con số 3,2% trong cùng kỳ năm ngoái.

Một số nghiên cứu sinh tiến sĩ Trung Quốc ở Viện Công nghệ Massachusetts cho biết thủ tục gia hạn thị thực du học hằng năm của nghiên cứu sinh Trung Quốc trước đây chỉ mất ba tuần thì nay kéo dài hàng tháng trời.

Một nghiên cứu sinh Trung Quốc nói rằng các nghiên cứu sinh đang ngả theo hướng về nước sau khi tốt nghiệp vì lo ngại tình trạng giám sát này có thể kéo dài nhiều năm trời.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 3-6, Xu Yongji, Vụ phó Vụ Trao đổi và Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc nói: “Các hành động của phía Mỹ đang gây lo ngại cho hợp tác và trao đổi giáo dục Mỹ-Trung. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ thay đổi càng sớm càng tốt và có thái độ tích cực hơn cũng như làm nhiều điều có lợi cho việc thúc đẩy hợp tác và trao đổi giáo dục song phương”.

Trong Chiến lược an ninh quốc gia an ninh năm 2017 trình cho quốc hội Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh sẽ rà soát quy trình cấp thị thực du học và cân nhắc các biện pháp hạn chế đối với các sinh viên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học từ một số nước để bảo đảm tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ không lọt vào tay các đối thủ.

Tháng 6-2018, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ hạn chế cấp thị thực cho các sinh viên Trung Quốc theo học ngành khoa học và kỹ thuật.

Động thái trên của Mỹ cũng có thể thúc đẩy các học giả Trung Quốc quay về nước. Đại học Tế Nam, một trong những đại học hàng đầu của Trung Quốc, cam kết sẽ thu nhận Li Xiao-Jiang, một trong hai giáo sư người Mỹ gốc Hoa bị Đại học Emory sa thải.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần kêu gọi “sáng tạo bản địa” trong các công nghệ cốt lõi.

“Trung Quốc không thể dựa mãi vào Mỹ về công nghệ và sáng tạo và từ lâu, Trung Quốc đã nhận thức được vấn đề này. Trung Quốc không có sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc tự lực phát triển đội ngũ tài năng công nghệ của mình”, Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung-Mỹ ở Trường nghiên cứu quốc tế Josef Korbel, Đại học Denver, bang Colorado, nói.

Hôm 3-6, Bộ Ngoại giao Mỹ ra cho biết nước này hoan nghênh các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc đến Mỹ để theo đuổi “các hoạt động học thuật chính đáng” nhưng cũng thừa nhận rằng Mỹ đang giám sát cấp thị thực du học sau khi nhận thấy số vụ sinh viên nước ngoài tham gia các hoạt động tình báo trong thời gian theo học tăng lên.

Hồi tháng 4-2019, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các sinh viên tốt nghiệp và các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ để tiến hành các hoạt động gián điệp kinh tế.

Theo Bloomberg

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới