(KTSG Online) - Các cơ quan quản lý ngân hàng của Mỹ đang tăng cường giám sát các hoạt động quản lý rủi ro của ngành ngân hàng và thực hiện các biện pháp kỷ luật khi họ nỗ lực khắc phục các vấn đề có thể dẫn đến nhiều vụ sụp đổ ngân hàng hơn.
- Chính sách tiền tệ ở Mỹ và khủng hoảng ngân hàng
- Ngân hàng Nhật Bản đối mặt rủi ro tương tự Silicon Valley Bank
Những động thái trên diễn ra ra sau sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực gồm Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic vào đầu năm nay do khách hàng ồ ạt rút tiền, một phần là do lo ngại rằng lãi suất cao sẽ làm tổn thương bảng cân đối kế toán của họ.
Sau khi các đánh giá chính thức cho thấy các giám sát viên tuyến đầu không hành động nhanh chóng khi phát hiện ra vấn đề, các cơ quan quản lý đang thực hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn và chủ động hơn.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, các cơ quan quản lý đang tiến hành các đánh giá bất ngờ về xếp hạng sức khỏe của các ngân hàng và trong một số trường hợp đã đưa ra hạ cấp an toàn. Họ cũng cảnh báo các ngân hàng lớn sẽ bị hạn chế một loạt hoạt động nếu không khắc phục những sai sót, đồng thời đốc thúc lãnh đạo cấp cao ở các ngân hàng phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc giải quyết các vấn đề của tổ chức.
Trong khi các cơ quan quản lý bao gồm Cục Dự trữ liên bang (Fed) và Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) cam kết tiến hành có biện pháp giám sát cứng rắn hơn, thì quy trình này vẫn được giữ bí mật và các quan chức chưa công bố thông tin chi tiết.
Các cơ quan quản lý tiếp tục lo ngại về sức khỏe của một số ngân hàng bối cảnh lãi suất cao và nền kinh tế đang chậm lại. Các nguồn tin cho biết, họ đang nhắm mục tiêu vào các ngân hàng nhỏ và vừa. “Điều này không khác gì một số hoạt động giám sát nâng cao đối với ngành ngân hàng mà chúng tôi đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009”, John Geiringer, đối tác và luật sư ngân hàng của Barack Ferrazzano Kirschbaum & Nagelberg, bình luận.
Trong những tháng gần đây, FDIC và các cơ quan quản lý khác gửi thư cho các ngân hàng khu vực và cộng đồng ở một số bang để thông báo rằng nhà chức trách đã bí mật tiến hành đánh giá về xếp hạng “CAMELS” của họ. Xếp hạng CAMELS là thước đo sức khỏe của ngân hàng căn cứ vào tình hình vốn (Capital), tài sản (Assets), quản trị (Management), thu nhập (Earnings), khả năng thanh khoản (Liquidity) và độ nhạy (Sensitivity) trước rủi ro thị trường, được tính trên thang điểm 1-5.
Các giám sát viên thường xem xét xếp hạng của các ngân hàng nhỏ cứ sau 12-18 tháng mỗi lần thông qua phân tích dữ liệu tài chính và khoản vay mà ngân hàng báo cáo hàng quí, kiểm tra tại chỗ và thảo luận với các lãnh đạo của họ.
Anne Balcer, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao của Các ngân hàng Cộng đồng độc lập Mỹ (ICBA), đại diện cho các ngân hàng có tài sản lên tới 50 tỉ đô la ở Mỹ, xác nhận các thành viên của tổ chức này đã nhận được thư trên hồi tháng 10. Trong một số trường hợp, các ngân hàng được thông báo rằng các tiêu chí xếp hạng CAMELS của họ đã bị hạ cấp.
Xếp hạng CAMELS sẽ ảnh hưởng đến phí bảo hiểm tiền gửi của các ngân hàng và hoạt động kiểm toán của họ. Những ngân hàng bị hạ cấp có thể bị cấm thực hiện các thương vụ và có thể bị Fed từ chối cung cấp thanh khoản khẩn cấp.
Theo các nguồn tin, những lý do mà các cơ quan quản lý đưa ra để hạ mức xếp hạng CAMELS bao gồm không đủ vốn, các vấn đề về quản lý và trong nhiều trường hợp là do tiếp xúc lớn với bất động sản thương mại, một lĩnh vực đang gặp khó khăn trong bối cảnh lãi suất cao và tỷ lệ văn phòng trống còn.
“Việc hạ cấp xếp hàng CAMELS ngoài chu kỳ là một điều nhạy cảm”, Michael Tierney, lãnh đạo của một tổ chức đại diện cho các ngân hành cộng đồng ở bang Michigan, nói. Ông cho biết các nhà quản lý nói rằng họ đang xem xét kỹ hơn về quản lý rủi ro thanh khoản và lãi suất của các ngân hàng
Người phát ngôn của FDIC cho biết: “Các chương trình giám sát CAMELS có thể cung cấp dấu hiệu sớm cho thấy hồ sơ rủi ro của tổ chức ngân hàng có thể đang thay đổi. Xếp hạng CAMELS, bao gồm cả những xếp hạng được thay đổi tạm thời, đều được giữ bí mật. Nhưng nhìn chung, xu hướng xếp hạng đang xấu đi khi điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn”
Hai ngân hàng nhỏ đã phá sản kể từ sau khi First Republic sụp đổ hồi đầu tháng 5. FDIC gần đây đã bổ sung thêm một ngân hàng khác vào danh sách các ngân hàng có vấn đề. Nhiều ngân hàng ở Mỹ đang nắm giữ lượng lớn tiền mặt như một biện pháp bảo hiểm trước tình hình nền kinh tế chậm lại.
Theo các nguồn tin, các ngân hàng lớn hơn được theo dõi liên tục nhưng vẫn cảm thấy áp lực gia tăng. Những người giám sát của họ thường xuyên cảnh báo ban lãnh đạo cấp cao rằng việc không khắc phục được sự cố có thể dẫn đến hình phạt bí mật “4(m)".
Các cơ quan giám sát thường áp dụng hình phạt 4(m) đối với ngân hàng có vốn yếu, quản lý kém hoặc sau khi hạ cấp CAMELS. Các ngân hàng bị hình phạt 4(m) phải được phê duyệt theo quy định để tham gia vào một số hoạt động kinh doanh mới, chẳng hạn như bảo lãnh phát hành chứng khoán hoặc thực hiện các khoản đầu tư phi ngân hàng.
Thoát khỏi 4(m) sẽ mất nhiều năm và có thể liên quan đến việc thuê nhân sự lãnh đạo mới và tổ chức lại doanh nghiệp. Các giám sát viên cũng đang yêu cầu lãnh đạo của ngân hàng lớn phải chịu trách nhiệm cá nhân nhiều hơn đối với các vấn đề của tổ chức. Các nguồn tin cho biết, điều này đang gây áp lực đối với với một số lãnh đạo điều hành cấp cao ở các ngân hàng.
Theo Reuters