Mỹ tiếp tục dồn ép Huawei
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Chính quyền Mỹ đang xem xét áp đặt các quy định hạn chế Trung Quốc tiếp cận thiết bị và công cụ sản xuất chip bán dẫn do các công ty Mỹ sản xuất, trong một nỗ lực cắt đứt nguồn cung chip cho Huawei.
Các nhà mạng ở châu Á ngoảnh mặt với smartphone của Huawei
Huawei và cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung!
![]() |
Các kỹ thuật viên làm việc trong một nhà máy của TSMC, nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Tờ Wall Street Journal hôm 17-2 dẫn các nguồn tin cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang soạn thảo các sửa đổi đối với “quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (FDP) vốn nhằm hạn chế các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất các sản phẩm liên quan đến quân sự và an ninh quốc gia.
Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài có nghĩa là khi các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài nhưng dựa vào công nghệ của Mỹ, chúng có thể được xem là sản phẩm sử dụng trực tiếp công nghệ Mỹ. Nếu các sản phẩm đó phục vụ mục đích quân sự hoặc an ninh quốc gia, Cục An ninh và Công nghiệp thuộc Bộ Thương mại Mỹ có thể viện dẫn Các quy định quản lý xuất khẩu (EAR) để hạn chế xuất khẩu các sản phẩm này.
Các sửa đổi đang được soạn thảo nói trên sẽ cho phép Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu các công ty sản xuất chip trên toàn cầu phải xin giấy phép của bộ này nếu họ muốn sử dụng các công cụ, máy móc sản xuất chip của Mỹ để sản xuất chip cho Huawei, hãng thiết bị viễn thông và smartphone số một Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách cắt đứt sự tiếp cận của Trung Quốc đối với các sản phẩm chip của Mỹ, một trong những mặt hàng công nghệ mà Trung Quốc nhập khẩu với giá trị lớn từ nước này.
Nhiều quan chức Mỹ lập luận rằng các thiết bị công nghệ của Huawei có thể được sử dụng phục vụ hoạt động gián điệp của chính phủ Trung Quốc nhưng Huawei bác bỏ cáo buộc này.
Động thái sửa đổi FDP là nhằm kìm hãm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc nhưng cũng có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các sản phẩm chip và ảnh hưởng đến tăng trưởng của nhiều công ty công nghệ Mỹ.
Theo các nguồn tin, các sửa đổi đối với FDP đã được thảo luận trong nhiều tuần nhưng chỉ mới được chính thức soạn thảo gần đây. Chúng sẽ đi kèm với một quy định riêng khác nhằm hạn chế các công ty công nghệ Mỹ cung cấp các sản phẩm chip cho Huawei từ các nhà máy đặt ở nước ngoài của họ.
Các nguồn tin nói rằng Tổng thống Donald Trump chưa thẩm định các sửa đổi này. Các quy định mới là một phần trong hàng loạt biện pháp mà Washington tiến hành trong những tháng gần đây để hạn chế buôn bán chip với Trung Quốc.
![]() |
Một bộ chip của Huawei. Ảnh: Bloomberg |
Một nguồn tin cho hay Bộ Thương mại Mỹ dự định sẽ thúc đẩy thêm các hạn chế về xuất khẩu chip có sử dụng hàm lượng công nghệ Mỹ ở mức độ nhất định trước khi nhắm đến việc kiểm soát xuất khẩu công cụ và thiết bị sản xuất chip.
Công nghệ chip bán dẫn là một lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc đang xoay sở giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài trong nhiều năm qua.
“Mỹ không muốn bất kỳ nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tân tiến nào trên thế giới sản xuất cho Huawei. Đó là mục tiêu cuối cùng của nước này”, một nguồn tin nói.
Phần lớn các nhà sản xuất chip ở nước ngoài đều phải sử dụng công cụ sản xuất chip hiện đại do các công ty của Mỹ như Lam Research và Applied Materials cung cấp. Nếu Mỹ hạn chế xuất khẩu công cụ sản xuất chip bán dẫn, điều này có thể gây tổn thương cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc vì các nhà sản xuất chip của sẽ rất khó tìm nguồn cung thay thế đầy đủ từ các nước khác.
Động thái này của Mỹ cũng sẽ làm xáo trộn chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp sản xuất chip vì buộc các nhà sản xuất chip bên ngoài Trung Quốc phải chọn lựa: hoặc giữ chân Huawei với tư cách khách hàng và chấp nhận bị cứt đứt nguồn cung, hoặc lánh xa Huawei để được Mỹ tiếp tục cung cấp các công cụ này.
Chi phí để xây dựng một nhà máy sản xuất chip hiện đại có thể lên đến hàng tỉ đô la và các hạn chế mới, nếu được triển khai bắt buộc các nhà máy này phải tìm kiếm nguồn cung công ty sản xuất chip từ nơi khác.
TSMC (Đài Loan), công ty sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, đang phụ thuộc nguồn cung máy móc và công cụ sản xuất chip của Mỹ, trong khi đó Huawei là một trong số những khách hàng quan trọng của TSMC. TSMC đang sản xuất dòng chip Kirin được sử dụng trong các mẫu smartphone cao cấp của Huawei.
Hơn 10% tổng doanh thu 35 tỉ đô la của TSMC hồi năm ngoái đến từ các hợp đồng sản xuất chip cho Công ty sản xuất chip HiSilicon, đơn vị thành viên của Huawei. Vì vậy, nếu cắt đứt làm ăn với Huawei, doanh thu của TSMC sẽ tổn thất lớn.
Các quy định hạn chế xuất khẩu công cụ sản xuất chip cũng ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của Applied Materials, Lam Research Corp, hai nhà xuất công cụ và thiết bị sản xuất chip hàng đầu của Mỹ. Trong phiên giao dịch hôm 18-2, giá cổ phiếu của hai công ty này giảm từ 2-4%.
Dù đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc hồi đầu năm nay nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tìm cách gia tăng sức ép với Bắc Kinh và đặc biệt là với Huawei.
Sau khi chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm bán các sản phẩm chip của Mỹ cho Huawei vào năm ngoái, một số hãng chip Mỹ vẫn có thể tiếp tục bán chúng cho Huawei bằng cách lợi dụng một quy định cho phép họ bán sản phẩm chip mà trong đó linh kiện của Mỹ chỉ chiếm tối đa 25% tổng giá trị của sản phẩm đó. Bộ Thương mại Mỹ đang đề xuất hạ ngưỡng giá trị xuống mức 10%.
Một nguồn tin cho hay các quan chức chính phủ Mỹ sẽ họp vào ngày 28-2 để thảo luận ngưỡng giá trị linh kiện Mỹ tối đa trong sản phẩm chip được phép bán cho Huwei và các hạn chế rộng hơn đối với việc bán các sản phẩm chip cho các khách hàng Trung Quốc, chẳng hạn Mỹ có thể mở rộng lệnh cấm xuất khẩu chip với thêm nhiều công ty Trung Quốc nữa.
Theo Wall Street Journal