Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ tiếp tục là điểm đến đầu tư nước ngoài lớn nhất

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mỹ vẫn là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn mở rộng ra quốc tế vào năm 2022 trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu suy giảm do các bất ổn vĩ mô.

Theo UNCTAD, Singapore ghi nhận một kỷ lục khác khi FDI tăng 8% lên 141 tỉ đô la Mỹ , chỉ thấp hơn một chút so với 189 tỉ FDI mà Trung Quốc nhận được vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Theo Báo cáo đầu tư thế giới của Hội nghị thương mại và phát triển thuộc Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố ngày 5-7, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ giảm xuống còn 285 tỉ đô la vào năm 2022 từ 388 tỉ đô la vào năm 2021. Dù vậy, con số này tiếp tục giúp Mỹ giữ vị thế là điểm đến lớn nhất của FDI.

Vốn FDI trên toàn cầu đã giảm 12% so năm 2021, xuống còn 1,3 nghìn tỉ đô la trong bối cảnh bất ổn vĩ mô gia tăng và chi phí vay đắt đỏ. FDI toàn cầu khó có khả năng phục hồi trong năm nay do các doanh nghiệp vẫn lo ngại rủi ro, UNCTAD nhận định.

Điều này khiến năm ngoái trở thành năm tồi tệ nhất đối với đầu tư nước ngoài kể từ năm 2009, ngoại trừ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Tuy nhiên, mức giảm trên thấp hơn so với dự kiến của UNCTAD khi tổ chức này lo ngại quy mô của những bất ổn kinh tế mà các doanh nghiệp phải đối mặt, bao gồm tác động kéo dài của đại dịch, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao cũng như sự cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ vẫn có thể chứng kiến FDI cải thiện hơn nữa trong tương lai gần khi các công ty nước ngoài tận dụng Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), trong đó, cung cấp các khoản trợ cấp hàng trăm tỉ đô la cho giới doanh nghiệp bao gồm cả nước ngoài để khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng sạch.

Rebeca Grynspan, Tổng thư ký UNCTAD, nói: “Triển vọng đầu tư quốc tế năm ngoái có vẻ vô cùng ảm đạm. Dòng vốn đầu tư quốc tế đã bị ảnh hưởng, nhưng vẫn mạnh mẽ hơn dự kiến”.

Các nền kinh tế phát triển nói chung ghi nhận dòng vốn FDI giảm 37% trong năm ngoái. Đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận một lượng lớn đầu tư nước ngoài bị rút ra, nhưng UNCTDA cho biết thước đo vốn FDI thất thoát đó bị “bóp méo” bởi các hoạt động di chuyển vốn lớn liên quan đến Luxembourg, nơi đánh thuế thấp và được nhiều doanh nghiệp đa quốc gia chọn làm trụ sở ở châu Âu để giảm hóa đơn thuế của họ. Nếu không tính Luxembourg, UNCTAD cho biết các khoản FDI mới vào EU đã tăng từ 127 tỉ đô la hồi năm 2021, lên 197 tỉ đô la trong năm 2022.

Các nền kinh tế đang phát triển chiếm tỷ trọng kỷ lục trong vốn đầu nước ngoài ngoài, thu hút 916 tỉ đô la vào năm ngoái, tăng 4% so với năm 2021.

Ở Đông Nam Á, Singapore ghi nhận một kỷ lục khác khi FDI tăng 8% lên 141 tỉ đô la. Dòng chảy vốn nước ngoài vào Malaysia tăng 39% lên 17 tỉ đô la, một kỷ lục mới đối với đất nước này.

Theo UNCTAD, vốn FDI vào Việt Nam và Indonesia lần lượt tăng 14% và 4%. Tuy nhiên, vốn FDI vào Philippines giảm 23% do một số hoạt động thoái vốn.

Các nước ở khu vực Mỹ Latin và Caribê ghi nhận mức tăng FDI lớn nhất, khoảng 51% lên 208 tỉ đô la, phản ánh nhu cầu cao đối với hàng hóa và khoáng sản quan trọng trong khu vực.

Ngược lại, Nga đã mất 19 tỉ đô la FDI khi các doanh nghiệp phương Tây lần lượt rút khỏi nước này sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Dù vẫn đứng sau Mỹ nhưng năm ngoái Trung Quốc ghi nhận dòng vốn đầu tư cao nhất từ trước đến nay, 189 tỉ đô la, tăng 5%. Phần lớn sự gia tăng đó đến từ các doanh nghiệp châu Âu.

Triển vọng tăng trưởng FDI của Trung Quốc có thể thay đổi. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã trở nên cảnh giác hơn với tham vọng kinh tế và sự thống trị của Bắc Kinh trong một số chuỗi cung ứng toàn cầu. Hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đưa đề xuất kiểm soát đầu tư ra nước ngoài đối với Trung Quốc.

UNCTAD cho biết ngày càng nhiều nước xét duyệt đầu tư nước ngoài kỹ lưỡng để xác định các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia trong một số lĩnh vực nhạy cảm. Vào năm 2022, tổng số nước xét duyệt FDI vì lo ngại an ninh quốc gia đã tăng từ 35 lên 37 nước. Trong số này, có 9 nước đã đã mở rộng các lĩnh vực bị xét duyệt. Năm 2006, chỉ có 3 nước sàng lọc đầu tư nước ngoài vì lý do an ninh.

UNCTAD cũng cho biết số lượng các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới bị hủy bỏ vì những lo ngại về chính sách quản lý hoặc chính trị tăng khoảng 33% so với năm 2021.

Có những dấu hiệu khác cho thấy một số chính phủ trở nên cảnh giác hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu, được mở rộng trong những thập niên gần đây khi các doanh nghiệp phân chia sản xuất ở nhiều nước để tìm kiếm công nhân giá rẻ hoặc tiết kiệm các chi phí khác.

Mỹ và một số chính phủ khác hiện đang tìm cách đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng các linh kiện quan trọng, chẳng hạn như chip máy tính. Họ đang tiến hành các kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở các nước thù địch tiềm ẩn bằng cách đưa chuỗi cung ứng đến các nước thân thiện.

UNCTAD ghi nhận cho biết các khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp đang “đối mặt với áp lực tái cơ cấu chuỗi cung ứng” đã tăng cả về giá trị lẫn số lượng, đi ngược lại xu hướng FDI toàn cầu. Tổ chức này lưu ý rằng 3 trong số 5 dự án FDI lớn nhất toàn cầu trong năm 2022 liên quan đến chip bán dẫn.

“Các hoạt động đưa sản xuất về nước hoặc đến các đối tác thân thiện và những địa điểm gần thị trường tiêu thụ đang diễn ra”, James Zhan, Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD, cho biết.

Trong một báo cáo khác được công bố tháng trước, UNCTAD cho biết, trong những quí gần đây, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nước giao dịch nhiều hơn với các đối tác có quan điểm chính trị tương đồng và xu hướng đó sẽ tăng lên.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới