Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ tìm cách phá vỡ tham vọng trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn của Nga

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mỹ lần đầu tiên bổ sung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Đây là động thái có thể gây ra sự gián đoạn trên thị trường năng lượng toàn cầu mà cho đến nay Washington vẫn muốn tránh.

Dự án Arctic LNG 2, nằm trên bán đảo Gydan ở Bắc Cực, cho phép Nga xuất khẩu LNG sang cả thị trường châu Âu và châu Á. Dự án dự kiến vận hành vào đầu năm 2024. Ảnh: Reuters

Các nước châu Âu tiếp tục nhập khẩu LNG của Nga ngay cả sau khi cuộc xung đột với Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng do Moscow siết chặt nguồn cung khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống tới lục địa này. Cho đến gần đây, Mỹ cố gắng tránh làm gián đoạn dòng chảy năng lượng để không làm tăng áp lực lên các đồng minh ở châu Âu đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt.

Nhưng vào đầu tháng 11, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với dự án phát triển LNG mới của Nga, Arctic LNG 2. Lệnh trừng phạt này trên thực tế sẽ ngăn chặn các nước ở châu Âu và châu Á mua LNG  của dự án này khi nó bắt đầu sản xuất vào năm tới.

Francis Bond, chuyên gia về lệnh trừng phạt tại hãng luật Macfarlanes, cho rằng, bằng cách nhắm mục tiêu vào nhà điều hành của dự án Arctic LNG 2, Mỹ gây áp lực lên bất kỳ công ty nào không phải của Mỹ có kế hoạch mua LNG từ dự án.

Trước đây, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các dự án năng lượng của Nga để đáp trả cuộc chiến ở Ukraine bằng các biện pháp hạn chế cung cấp tài chính và thiết bị. Nhưng đây là lần đầu tiên nguồn cung LNG của Nga bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách trừng phạt của Mỹ.

Các quan chức Mỹ đã tìm cách phân biệt giữa nguồn cung LNG hiện có và nguồn cung mà Nga sắp được đưa ra thị trường trong tương lai tương đối gần. Nhưng họ thừa nhận, mục đích của lệnh trừng phạt mới làm tổn hại đến khả năng thu lợi nhuận của Nga từ việc bán thêm nhiên liệu hóa thạch.

“Chúng tôi không có lợi ích chiến lược trong việc giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu, điều sẽ làm tăng giá năng lượng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi, các đồng minh và đối tác có chung mối quan tâm sâu sắc đến mục tiêu làm suy giảm vị thế nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Nga theo thời gian”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Dự án Arctic LNG 2, nằm trên bán đảo Gydan ở Bắc Cực, cho phép Nga xuất khẩu sang cả thị trường châu Âu và châu Á. Đây sẽ là dự án LNG quy mô lớn thứ ba của Nga, củng cố tham vọng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu trong lĩnh vực này của Điện Kremlin.

Khi vận hành tối đa công suất, dự án sẽ chiếm 1/5 mục tiêu của Nga là sản xuất 100 triệu tấn LNG hàng năm vào năm 2030, gấp hơn ba lần khối lượng LNG mà nước này xuất khẩu hiện nay.

Dự án dự kiến ​​bắt đầu vận chuyển LNG ra thị trường quốc tế vào quí 1-2024. Các nhà phân tích thị trường cho biết, nguồn cung mới đó sẽ giảm bớt phần nào tình trạng thắt chặt trên thị trường LNG toàn cầu do nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects đã loại bỏ sản lượng dự kiến của dự án Arctic LNG 2 ra khỏi mô hình dự báo cung cầu cho năm tới, đồng thời cho biết, các lệnh trừng phạt mới sẽ thắt chặt thị trường LNG.

Novatek, công ty khí đốt lớn thứ hai của Nga, nắm giữ 60% cổ phần ở Arctic LNG 2. Các cổ đông khác mỗi bên nắm 10% cổ phần gồm TotalEnergies của Pháp, hai công ty nhà nước Trung Quốc, CNPC và CNOC, cùng Japan Arctic LNG, một liên doanh giữa tập đoàn thương mại Mitsui & Co và Tổ chức an ninh năng lượng và kim loại Nhật Bản (Jogmec).

Shaistah Akhtar, đối tác và chuyên gia về trừng phạt tại hãng luật Mishcon de Reya, cho biết lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ ngăn chặn dự án cung cấp LNG cho khách hàng phương Tây.

“Nếu họ tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ, họ sẽ không mua khí đốt từ dự án này, trừ khi họ có một số loại giấy phép hoặc được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt”, bà nói

Các nhà đầu tư vào Arctic LNG 2 có thể lấy khí đốt từ dự án tùy theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ. Đối với TotalEnergies và các đối tác trong liên doanh, con số đó là khoảng 2 triệu tấn LNG cho mỗi bên khi dự án vận hành tối đa công suất. Nhưng theo lệnh trừng phạt, các đối tác ở dự án này có thời hạn đến cuối tháng 1 năm sau để rút dần đầu tư của họ.

Theo Kaushal Ramesh, người đứng đầu bộ phận phân tích LNG của Rystad Energy, các nhà đầu tư phương Tây “có thể nộp đơn xin miễn trừ khỏi các thời hạn rút dần đầu tư”.  Điều này có thể cho phép một số khối lượng LNG chảy từ dự án Arctic LNG 2 đến các thị trường đồng minh phương Tây, tương tự như cách Nhật Bản được phép nhập khẩu dầu thô của Nga từ dự án Sakhalin 2 trên mức giá trần 60 đô la/thùng.

Mitsui cho biết, công ty sẽ tuân thủ luật trừng phạt liên quan đến việc tiêu thụ LNG. Jogmec tiết lộ đang “thu thập thông tin từ các bên liên quan và tiến hành điều tra kỹ lưỡng về diễn biến của tình hình”.

Phát biểu tại một sự kiện hôm 9-11, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga “không gây ra bất kỳ rủi ro lớn nào cho nguồn cung khí đốt của châu Âu” tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tuần trước, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasunori Nishimura thừa nhận, Nhật Bản sẽ không tránh khỏi tác động “ở một mức độ nhất định” từ lệnh trừng phạt nhằm vào dự án Arctic LNG 2.

Đến nay, Mỹ chưa nhắm trực tiếp vào các dự án LNG lớn khác của Nga, Yamal LNG và Sakhalin 2, vẫn đang vận chuyển nhiên liệu tới châu Âu và châu Á.

Anne-Sophie Corbeau, chuyên gia khí đốt tại Trường Quan hệ công và quốc tế của Đại học Columbia (Mỹ), nhận định, nếu Arctic LNG 2 không bắt đầu xuất khẩu như kế hoạch vào năm 2024, điều đó “sẽ khiến thị trường thắt chặt hơn một chút trong thời gian dài hơn”.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ đánh vào tham vọng dài hạn hơn của Nga nhằm tăng nguồn cung LNG và cạnh tranh với các đối thủ dẫn đầu trên thị trường như Mỹ và Qatar.

“Thật khó để Nga có thể thực hiện tham vọng đó khi nước này đã bị loại khỏi rất nhiều bộ phận của hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu”, Laurent Ruseckas, chuyên gia về khí đốt và giám đốc cấp cao của S&P Global, bình luận.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới