Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ trợ cấp 53 tỉ đô la cho hoạt động sản xuất chip

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm qua 9-8, Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã ký ban hành một đạo luật trợ cấp gần 53 tỉ đô la cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước trong một nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc

Đạo luật Khoa học và CHIPS (tên gọi đầy đủ là Đạo luật tạo ra các ưu đãi hữu ích để sản xuất chất bán dẫn cho nước Mỹ - Creating Helpful Incentives to Produce Semiconductors for America Act) phân bổ khoản trợ cấp 52,7 tỉ đô la cho các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chip ở trong nước và khoản tín dụng thuế đầu tư trị giá 24 tỉ đô la dành cho các công ty đầu tư vào thiết bị sản xuất chip và xây dựng nhà máy chip mới.

Ngoài ra, luật mới còn phân bổ 200 tỉ đô la khác cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác, những lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc đã xem là ưu tiên quốc gia.

“Người Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn… và luật này sẽ đưa hoạt động sản xuất nó trở về nhà... Trung Quốc đang cố gắng đi trước chúng ta để sản xuất những con chip tinh vi. Mỹ phải dẫn đầu thế giới trong hoạt động sản xuất những con chip cao cấp. Đạo luật mới sẽ giúp chúng ta làm được điều đó”, Tổng thống Biden nói sau khi ký ban hành đạo luật.

Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS tại Vườn hồng của Nhà Trắng hôm 9-8. Ảnh: Getty

Các nghị sĩ bảo trợ cho đạo luật này xem nó như là một phản ứng trước những lo ngại cho rằng sức mạnh công nghệ đang trỗi dậy của Trung Quốc có thể lật đổ sự thống trị của các hãng chip Mỹ về mặt công nghệ và khiến quân đội Mỹ dễ bị tổn thương hơn.

Nhiều nghị sĩ Mỹ cho biết họ thường sẽ không tán thành các khoản trợ cấp lớn cho các doanh nghiệp tư nhân nhưng họ ủng hộ đạo luật này vì Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang trợ cấp hàng tỉ đô la cho các hãng chip của họ. Họ cũng cho rằng đạo luật sẽ giúp Mỹ ứng phó các rủi ro an ninh quốc gia và các vấn đề lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu đang cản trở hoạt động sản xuất toàn cầu.

Một số công ty chip của Mỹ, bao gồm cả nhà sản xuất chip nhớ Micron Technology, đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất sau khi đạo luật CHIPS được Tổng thống Joe Biden ký thông qua. Micron Technology cho biết công ty kỳ vọng sẽ nhận được các khoản ưu đãi từ luật mới để phục vụ kế hoạch đầu tư 40 tỉ đô la sản xuất chip nhớ tại Mỹ. Kế hoạch này sẽ nâng thị phần sản xuất chip nhớ của Mỹ trên toàn cầu từ 2% lên 10%.

Hôm 8-8, hãng chip Qualcomm thông báo đã ký thỏa thuận trị giá 4,2 tỉ đô la để mua thêm chip sử dụng ở bộ thu phát 5G, bộ kết nối Wi-Fi, ô tô và các thiết bị Internet vạn vật (IoT) từ hãng sản xuất gia công chip GlobalFoundries. Thỏa thuận này nâng tổng số tiền mà Intel cam kết mua chip của GlobalFoundries lên 7,4 tỉ đô la và sẽ được thưc hiện đến năm 2028.

Giám đốc điều hành GlobalFoundries, Thomas Caulfield nói rằng thỏa thuận mua chip trong dài hạn của Qualcomm và nguồn trợ cấp từ liên bang và tiểu bang sẽ giúp công ty mở rộng hoạt động sản xuất tại Mỹ. GlobalFoundries là nhà sản xuất gia công chip lớn thứ ba thế giới tính theo doanh thu, xếp sau TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc.

Chi phí xây dựng các nhà máy đúc chip có thể lên tới nhiều tỉ đô la. Theo Intel, Đạo luật CHIPS sẽ giúp giảm chi phí 3 tỉ đô la trên mỗi 10 tỉ đô la tiền đầu tư để xây dựng nhà máy chip mới. Nó sẽ giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư hơn 40 tỉ đô la của Intel để xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy chip của hãng này ở các bang Arizona, Ohio, New Mexico và Oregon.

Theo Cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ (CRS), thị phần sản xuất chất bán dẫn của Mỹ trên toàn cầu đã giảm từ gần 40% vào năm 1990, xuống còn 8% trong năm nay, khiến nước này phải phụ thuộc vào chip nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác.

Trước đó, Nhà Trắng đã công bố các sáng kiến ​​nhằm củng cố và đẩy nhanh các mục tiêu của đạo luật CHIPS, bao gồm thành lập một nhóm liên ngành có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên bang và tiểu bang để giúp các công ty nhanh chóng được cấp giấy phép xây dựng các cơ sở sản xuất công nghệ cao.

Nhà Trắng cũng thúc đẩy công nghệ (PCAST) đưa ra, bao gồm xây dựng mạng lưới đào tạo vi điện tử quốc gia để phát triển lực lượng lao động bán dẫn trong các cơ sở học thuật và kế hoạch “phát triểu siêu máy tính quy mô“ zettascale đầu tiên, có năng lực xử lý điện toán nhanh hơn 1.000 lần so với siêu máy tính nhanh nhất hiện nay.

Theo Bloomberg, AP, CNN.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thế giới tương lai đang cần 3 thứ sản phẩm/ thành phẩm cốt lõi để phục vụ cho thời đại số hóa: NĂNG LƯỢNG/ CHIP/ DỮ LIỆU. Mọi chiến lược phát triển đều phải biết cách tập trung vào 3 lĩnh vực này thì mới có thể bắt kịp xu thế của thời đại, cũng như làm chủ cuộc chơi hội nhập.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới