(KTSG Online) – Mỹ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, với khối lượng xuất khẩu trong năm 2023 vượt qua hai nhà cung cấp hàng đầu khác là Úc và Qatar. Sự chi phối của Mỹ trên thị trường LNG dự kiến còn lớn hơn trong năm nay khi khối lượng xuất khẩu nhiên liệu siêu lạnh này từ Mỹ dự báo tăng mạnh.
- Nguồn cung dầu khí dồi dào của Mỹ giúp kiểm soát giá năng lượng toàn cầu
- Trung Quốc gia tăng kiểm soát nguồn cung LNG trên thị trường toàn cầu
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, Mỹ xuất khẩu 91,2 triệu tấn LNG vào năm 2023, một kỷ lục đối với nước này. Sản lượng xuất khẩu LNG của Mỹ tăng nhanh sau khi kho cảng Freeport LNG ở Texas, nơi bị đóng cửa trong nhiều tháng sau vụ cháy nổ vào tháng 6-2022, hoạt động trở lại vào năm ngoái. Qatar, nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới vào năm 2022, lần đầu tiên chứng kiến khối lượng xuất khẩu giảm kể từ năm 2016, với mức giảm 1,9%, khiến quốc gia này rơi xuống vị trí thứ ba về xuất khẩu nhiên liệu siêu lạnh. Úc là nước xuất khẩu LNG lớn thứ hai trong năm 2023, với khối lượng xuất khẩu ít thay đổi so với năm 2022.
Năm nay, hai dự án LNG mới ở Mỹ sẽ bắt đầu sản xuất. Đó là dự án Plaquemines của Venture Global LNG ở bang Louisiana và dự án Golden Pass, một liên doanh giữa Exxon Mobil và QatarEnergy ở bang Texas. Khi vận hành hết công suất, hai dự án mới bổ sung thêm 38 triệu tấn LNG mỗi năm từ Mỹ.
Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tăng lên mức trung bình 12,36 tỉ feet khối mỗi ngày trong năm 2024, tăng so 11,81 tỉ feet khối/ngày trong năm 2023 và 10,59 tỉ feet khối/ngày trong năm 2022. Dòng khí đốt tự nhiên tới bảy nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục mới trong những ngày đầu tháng 1-2024.
Alex Munton, Giám đốc nghiên cứu khí đốt và LNG toàn cầu ở Công ty tư vấn Rapidan Energy, nhận xét, Mỹ nổi bật về tăng trưởng nguồn cung LNG toàn cầu vào năm ngoái, với 8,6 triệu tấn xuất từ các kho cảng của Mỹ chỉ trong tháng 12, đánh dấu con số xuất khẩu cao kỷ lục hàng tháng.
“Sản lượng kỷ lục của Mỹ được thúc đẩy bởi hai yếu tố: kho cảng Freeport LNG hoạt động đầy đủ trở lại, tăng xuất khẩu LNG thêm sáu triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu từ dự án kho cảng LNG Calcasieu Pass của Venture Global LNG ở bang Louisiana tăng thêm ba triệu tấn so với năm 2022”, Munton cho biết
Châu Âu vẫn là điểm đến chính cho của LNG xuất khẩu từ Mỹ trong tháng 12, với 5,43 tấn, tương đương hơn 61% sản lượng xuất khẩu. Dữ liệu LSEG cho thấy, trong tháng 11,68% sản lượng xuất khẩu LNG của Mỹ là sang châu Âu.
Châu Á là thị trường xuất khẩu LNG lớn thứ hai của Mỹ trong tháng 12, hấp thụ 2,29 triệu tấn, tương đương 26,6% sản lượng xuất khẩu của Mỹ. Tỷ lệ này tăng từ mức 18,5% trong tháng 11. Theo dữ liêu của LSEG, trong cùng tháng, xuất khẩu LNG của Mỹ sang khu vực Mỹ Latin là 0,5 triệu tấn, tương đương dưới 6% tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ.
Hôm 2-1, khí đốt của Mỹ giao dịch ở mức 2,55 đô la Mỹ trên mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Trong khi đó, giá khí đốt chuẩn ở châu Âu giao dịch ở mức 9,81 đô la/mmBtu. Mức giá này này giảm mạnh so với mức cao kỷ lục trung bình 50 đô la/ mmBtu thiết lập hồi tháng 7-2022, khi cuộc khủng hoảng năng lượng lên cao trào do Nga bóp nghẹt nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Hiện tại, thời tiết mùa đông ấm bất thường, kết hợp với nguồn dự trữ dồi dào giúp giá khí đốt ở châu Âu duy trì ở mức thấp.
EIA cho rằng, xuất khẩu LNG cao hơn sẽ dẫn đến áp lực tăng giá khí đốt tự nhiên ở thị trường trong nước. Sản xuất LNG là một phần nguyên nhân khiến giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ tăng cao vào năm 2022.
Chỉ riêng trong tháng 12-2023, khoảng 8 triệu tấn LNG của Mỹ rời khỏi các kho cảng xuất khẩu để đến khách hàng ở châu Âu và châu Á, rút 390 tỉ feet khối khí đốt khỏi thị trường nội địa Mỹ. Con số này chiếm khoảng 12% tổng sản lượng khí đốt của Mỹ trong cùng tháng.
Xuất khẩu LNG của Mỹ được dự báo còn tăng trong những năm tới vì có 17 nhà máy sản xuất LNG đã được cấp phép xây dựng từ nay đến năm 2028. Bảy nhà máy LNG khác đang chờ quyết định cấp phép từ Ủy ban Điều tiết Năng lượng liên bang Mỹ (FERC). EIA đánh giá, tùy thuộc vào giá khí đốt toàn cầu, các nhà máy LNG mới này có thể đẩy khối lượng xuất khẩu LNG của Mỹ tăng gấp đôi vào đầu thập niên 2030.
Theo Bloomberg, Reuters