Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mỹ và châu Âu giám sát chặt dấu hiệu căng thẳng tín dụng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giới chức trách ở Mỹ và châu Âu đang giám sắt chặt rủi ro căng thẳng tín dụng (credit crunch), tức tình trạng ngân hàng hạn chế cho vay, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng niềm tin trong lĩnh vực ngân hàng còn diễn biến khó lường.

Cuộc khủng hoảng niềm tin sau cú sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank và vụ giải cứu khẩn cấp ngân hàng Credit Suisse khiến giới chức trách ở hai bên bờ Đại Tây Dương lo ngại các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay. Ảnh: Bolsamania

Các điều kiện tín dụng có thể thắt chặt

Các nhà chức trách trên khắp thế giới đang cảnh giác cao độ về hậu quả tiềm tàng từ tình trạng hỗn loạn gần đây sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank ở Mỹ và cuộc giải cứu Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ.

Tuần trước, thị trường tài chính phát đi những tín hiệu căng thẳng. Đồng euro giảm giá so với đồng đô la, lợi suất trái phiếu chính phủ khu vực đồng euro giảm và chi phí bảo hiểm đối với rủi ro vụ vỡ nợ ngân hàng tăng bất chấp các tuyên bố và hành động trấn an của các nhà hoạch định chính sách.

Hôm 24-3, Bộ Tài chính Mỹ ra tuyên bố cho biết Hội đồng Giám sát ổn định tài chính liên bang đánh giá hệ thống ngân hàng Mỹ “lành mạnh và chống chịu tốt”.

“Điều không rõ ràng đối với chúng tôi là căng thẳng ngân hàng dẫn đến tín dụng thắt chặt trên diện rộng đến mức nào. Căng thẳng tín dụng có thể làm trì trệ nền kinh tế. Đây là điều chúng tôi giám sát rất chặt chẽ”, Neel Kashkari, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Minneapolis, 1 trong 12 ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nói trong chương trình “Face the Nation” của Đài truyền hình CBS hôm 26-3.

Ông cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá “dấu ấn” mà căng thẳng ngân hàng sẽ gây ra cho nền kinh tế, vì vậy, chưa thể nói trước nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến quyết định lãi suất tiếp theo của Fed.

Hôm 22-3, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng lưu ý cú sụp đổ của SVB và biến động hệ thống ngân hàng sau đó “có khả năng khiến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, từ đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế”.

Trong khi đó ở châu Âu, Phó chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB) Luis de Guindos tin rằng những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng và lạm phát thấp hơn.

Ông nói: “Cảm nhận chúng tôi là các bất ổn này sẽ khiến các tiêu chuẩn tín dụng thắt chặt hơn trong khu vực sử dụng sử dụng đồng euro. Và có lẽ điều này sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng và lạm phát thấp thấp hơn”.

Tình trạng thắt chặt tín dụng không phải vấn đề mới. Chúng xảy ra thường xuyên trong những thời kỳ kinh tế đi vào suy thoái, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Căng thẳng tín dụng có mức độ nghiêm trọng và thời hạn khác nhau, những yếu tố mà ông Powell cho biết vẫn chưa biết rõ thời điểm hiện tại. Một số căng thẳng tín dụng quy mô nhỏ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng nhưng không khiến toàn bộ nền kinh tế bị đình trệ. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng thắt chặt cho vay quá mức, điều này có thể kìm hãm nền kinh tế trong nhiều năm, thậm chí gây ra suy thoái.

Fed sẽ dừng tăng lãi suất cho đến khi ngành ngân hàng ổn định?

Sau khi chính phủ Thụy Sĩ thiết kế thương vụ ngân hàng UBS sáp nhập giải cứu Credit Suisse, ngân hàng Deutsche Bank của Đức lại khiến giới đầu tư thấp thỏm.

Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất của Đức đã giảm giá 8,5% vào hôm 24-3 và chi phí bảo hiểm trái phiếu rủi ro vỡ nợ của ngân hàng này tăng mạnh.

Căng thẳng gia tăng đột ngột đối với các ngân hàng đặt ra câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương lớn có tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ để hạ nhiệt lạm phát hay không. Một nhà phân tích đang suy đoán họ buộc phải giảm lãi suất vào thời điểm nào đó trong năm nay.

Erik Nielsen, trưởng nhóm cố vấn kinh tế của UniCredit, cho rằng các ngân hàng trung ương không nên tách rời chính sách tiền tệ khỏi sự ổn định tài chính vào thời điểm có nhiều lo ngại rằng khó khăn của ngân hàng có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính lan rộng.

“Các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Fed và ECB, nên đưa ra một tuyên bố chung rằng họ sẽ không xem xét bất kỳ đợt tăng lãi suất nào nữa, ít nhất là cho đến khi thị trường tài chính ổn định trở lại", Nielsen cho biết trong một báo cáo công bố hôm 26-3.

Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tuần trước, thấp hơn so với mức 50 điểm được thị trường dự báo trước khi biến cố ngân hàng xảy ra. Fed cũng để ngỏ cơ hội tạm dừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo cho đến khi nắm bắt thông tin rõ ràng về những thay đổi trong hoạt động cho vay của lĩnh vực ngân hàng.

“Có một số dấu hiệu đáng lo ngại nhưng mặt tích cực là làn sóng rút tiền gửi ở ngân hàng dường như đã chậm lại. Một số niềm tin đang được khôi phục ở các ngân hàng nhỏ hơn và quy mô khu vực”, Kashkari nói.

“Chúng ta đã thấy rằng thị trường vốn phần lớn đã đóng cửa trong hai tuần qua. Nếu những thị trường vốn đó vẫn đóng cửa vì người đi vay và người cho vay vẫn còn lo lắng, điều đó có thể sẽ có tác động lớn hơn đến nền kinh tế”, Kashkari nói.

Fed đã triển khai một chương trình cho vay khẩn cấp nhằm cung cấp thanh khoản để giúp các ngân hàng khu vực ngăn chặn bất ổn. Dữ liệu gần đây cho thấy tiền gửi được chuyển từ các ngân hàng nhỏ hơn sang các ngân hàng lớn hơn trong những ngày sau khi SVB sụp đổ vào ngày 10-3. Dù vậy, tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông nghĩ tình hình ở các ngân hàng khu vực đã  “ổn định”.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới