(KTSG Online) – Do nhu cầu thúc đẩy cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch và chi trả phúc lợi y tế, lương hưu cho dân số ngày càng già, Mỹ và Trung Quốc sẽ là hai nước đóng góp lớn nhất trong mức tăng trưởng nợ công của các chính phủ trên toàn cầu trong những năm tới, theo nhận định Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Hôm 12-4, IMF công bố báo cáo giám sát tài khóa định kỳ, trong đó, lưu ý nợ công của các chính phủ trên toàn cầu bắt đầu tăng trở lại trong năm nay và tiếp tục tăng trong 5 năm tiếp theo sau khi giảm vào năm ngoái nhờ chấm dứt các biện pháp tốn kém để phòng chống đại Covid-19.
IMF dự báo tổng nợ công của các chính phủ trên toàn thế giới, bao gồm nợ của chính quyền trung ương và địa phương cũng như các tổ chức thuộc sở hữu của chính phủ, sẽ đạt mức tương đương 93,3% GDP toàn cầu trong năm nay trước khi tăng dần lên 99,6% vào năm 2028. Tỷ lệ này là 82,8% vào năm 2018 và đạt mức cao nhất gần đây là 99,7% vào năm 2020.
“Mỹ và Trung Quốc đóng góp nhiều nhất vào xu hướng nợ công toàn cầu gia tăng. Nếu loại trừ hai nước này, tỷ lệ nợ công trên GDP toàn cầu sẽ giảm xuống trong những năm tới”, Vitor Gaspar, Giám đốc bộ phận phụ trách các vấn đề tài khóa (FAD) của IMF, nói.
Sự gia tăng nợ công toàn cầu một phần phản ánh chi phí thanh toán lãi suất trái phiếu sau khi các ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Nhóm nhà kinh tế ở bộ phận phụ trách các vấn đề tài khóa (FAD) của IMF cảnh báo việc một số chính phủ mở rộng vay nợ và chi tiêu có thể dẫn đến áp lực lạm phát, làm suy yếu nỗ lực hạ nhiệt giá cả tiêu dùng của các ngân hàng trung ương trong suốt một năm qua.
Vitor Gaspar cho rằng hiện nay, hầu hết các quốc gia đều có lý do mạnh mẽ để thắt chặt tài khóa, chẳng hạn như thông qua giảm chi tiêu và tăng thuế. Chính sách tài khóa thắt chặt sẽ góp phần làm giảm tổng cầu, từ đó giảm áp lực lạm phát.
Gaspar cho biết khoảng 60% nền kinh tế trên thế giới, chủ yếu là các nước nghèo nhất, cần phải phải kiểm soát nợ công vì họ có ít khả năng tiếp cận thị trường nợ.
Ông kêu gọi các quốc gia chủ nợ hỗ trợ kiểm soát tình hình nợ công của các nước đang gặp khó khăn.
Theo các nhà kinh tế của IMF, nợ của chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới một phần vì Washington đang chi nhiều hơn cho chi phí chăm sóc y tế và an sinh xã hội khi thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (Baby Boomer, nhóm dân số sinh ra trong giai đoạn 1946-1964) đến độ tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng cần nhiều tiền hơn để chi tiêu cho các dự án năng lượng sạch và các chính sách kinh tế trong nước khác.
Dự báo của IMF được đưa ra trong bối cảnh Washington vẫn đang bế tắc trong vấn đề trần nợ công, giới hạn nợ của chính phủ ở mức 31,4 nghìn tỉ đô la. Chính phủ Mỹ có thể hết tiền để thanh toán các hóa đơn nếu quốc hội không bỏ phiếu tăng trần nợ công trong những tháng tới. Nhà Trắng đang thúc đẩy quốc hội làm như vậy mà không kèm theo các điều kiện. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ đồng ý nới trần nợ công nếu chính phủ cắt giảm chi tiêu.
Theo IMF, tổng nợ công của Mỹ dự kiến tăng lên mức 136,2% GDP vào năm 2028, tăng từ mức 107,4% vào năm 2018. Tỷ lệ nợ công của Mỹ dự đoán lên 122,2% trong năm nay, tăng nhẹ so với năm 2022. Nợ công của Mỹ đang tăng nhanh hơn mức nợ công trung bình của các nền kinh tế tiên tiến, dự kiến đạt 117,8% GDP vào năm 2028 từ mức 112,4% trong năm nay. Tỷ lệ nợ công trên GDP của Mỹ cao hơn hơn so với các nước châu Âu giàu có như Đức, Pháp và Anh, nhưng thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. IMF cho biết tỷ lệ nợ công của Nhật Bản trên GDP sẽ đạt 258% trong năm nay và 264% vào năm 2028.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng sẽ chứng kiến nợ công tăng nhanh. IMF dự báo nợ công của Trung Quốc sẽ tăng lên 104,9% GDP vào năm 2028, từ 82,4% trong năm 2023 và 56,7% vào năm 2018.
Các nhà kinh tế của IMF lý giải, nợ công Trung Quốc tăng nhanh chủ yếu là do gánh nặng chi tiêu cho dân số già hóa nhanh chóng và các biện pháp kích thích để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Họ lưu ý mức nợ công của nền kinh tế lớn có thể vượt quá các dự báo mới nhất vì nhiều lý do. Một là họ tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Hai là họ tăng trợ cấp và các biện pháp khác để thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước khi chạy đua cạnh tranh kinh tế.
Theo WSJ