(KTSG Online) - Mỹ đang xuất khẩu lượng dầu và chế phẩm dầu mỏ kỷ lục. Qua đó, Mỹ đóng vai trò như một nhà cung cấp nhiên liệu quan trọng để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do tác động từ cuộc xung đột Nga- Ukraine, ngay cả khi giá cả nhiên liệu trong nước đang căng thẳng.
- Mỹ xem xét đề xuất cấm xuất khẩu xăng dầu
- Giá xăng dầu có thể tăng trở lại, dầu diesel dự kiến tăng 2.000 đồng/lít
Xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 11,4 triệu thùng/ngày vào tuần trước, theo dữ liệu được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 26-10.
Con số này cao hơn gần 2 triệu thùng/ngày so với tuần từ ngày 12 đến 17-10. Theo EIA, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt 5,1 triệu thùng/ngày vào tuần trước và đây là mức cao kỷ lục. Đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, con số xuất khẩu là 6,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 7 triệu thùng/ngày hồi đầu tháng 10.
Mỹ tiếp tục là nhà nhập khẩu dầu lớn, với các lô hàng dầu thô nhập khẩu trung bình 6,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước từ các nước bao gồm Canada và Saudi Arabia. Một số thùng dầu này sẽ được xuất khẩu trở lại sau khi được tinh chế thành xăng hoặc dầu diesel.
Các công ty dầu mỏ của Mỹ vẫn đẩy mạnh xuất khẩu bất chấp Washington kêu gọi họ bán ít nhiên liệu hơn ra nước ngoài và tích trữ cho nhu cầu trong nước trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden tìm cách kiềm chế giá xăng dầu tăng trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng sau.
Tuần trước, ông Biden cho biết ông đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để hạ giá xăng trong nước, vốn đạt mức kỷ lục trong mùa hè vừa qua. Kể từ đó, giá xăng đã giảm mạnh, nhưng ở mức 3,76 đô la Mỹ một gallon (3,78 lít), vẫn cao hơn 60% so với thời điểm ông Biden nhậm chức.
Với mức giá 5,32 đô la Mỹ/gallon, dầu diesel, được sử dụng để cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp, không giảm mạnh so với mức đỉnh của nó và đang cao gần gấp đôi mức trước khi ông Biden bước vào Nhà Trắng. Tồn kho các sản phẩm chưng cất của Mỹ, bao gồm dầu diesel và dầu nhiên liệu, ở mức 106 triệu thùng vào tuần trước, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình 5 năm trước.
Tổng thống Biden đã ra lệnh cho Bộ Năng lượng sẵn sàng bán dầu thêm từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia (SPR) khi chương trình bán lượng dầu kỷ lục từ SRP được phê chuẩn hồi tháng 3 sắp kết thúc. Việc bán dầu dự trữ và tăng xuất khẩu dầu đã khiến dự trữ dầu mỏ của Mỹ xuống còn khoảng 1,6 tỉ thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2005, làm dấy lên lo ngại về tình trạng sẵn sàng ứng phó của Mỹ trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn lớn.
Nhà Trắng đã từ chối loại trừ khả năng đưa ra quy định hạn chế xuất khẩu nhiên liệu. Trong thư gửi cho các công ty lọc dầu của Mỹ hồi tháng 8, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm kêu gọi họ tích trữ nhiên liệu để tránh các quy định kiểm soát bổ sung của liên bang hoặc các biện pháp khẩn cấp khác.
Khả năng Mỹ hạn chế xuất khẩu xăng dầu càng lớn hơn sau khi gần đây, liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11 tới. Tuần trước, Nhà Trắng cảnh báo tất cả phương án hạn chế xuất khẩu vẫn còn để ngỏ nhằm đảm bảo nguồn cung nhiên liệu trong nước.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ có nguy cơ khiến các nước phụ thuộc vào nguồn cung của Mỹ tức giận. Các công ty dầu mỏ của Mỹ cảnh báo rằng bất kỳ lệnh cấm bán sản phẩm dầu mỏ tinh chế nào cũng có thể làm tăng giá nhiên liệu trong nước và “khiến các đồng minh xa lánh Mỹ trong thời kỳ chiến tranh”.
Theo phân tích của Wood Mackenzie, biện pháp hạn chế xuất khẩu có thể giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm 5 tỉ đô la Mỹ chi phí xăng dầu, nhưng có thể làm tăng chi phí dầu diesel lên 2 tỉ đô la Mỹ cho các đối tác thương mại châu Âu và làm mất mát 30 tỉ đô la Mỹ thu nhập của các nhà máy lọc dầu của Mỹ.
Mỹ đã trở thành nhà cung cấp quan trọng cho thị trường năng lượng toàn cầu kể từ khi cuộc cách mạng dầu đá phiến tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ trong hoạt động khai thác dầu và khí đốt của nước này hơn một thập niên trước. Tầm quan trọng của Mỹ tăng lên khi OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng và Liên minh châu Âu (EU) sắp thực hiện lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga vào cuối năm nay.
Theo Financial Times