Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Na Uy muốn giàu hơn với khoáng sản kim loại dưới đáy biển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Na Uy muốn giàu hơn với khoáng sản kim loại dưới đáy biển

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Nhờ nắm giữ trữ lượng dầu khí khổng lồ, Na Uy trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới nhưng giờ đây, nước này muốn tìm kiếm nguồn thịnh vượng mới từ các trữ lượng khoáng sản kim loại khổng lồ nằm dưới đáy biển.

Na Uy đang muốn đóng vai trò tiên phong trong cuộc săn lùng và khai thác đồng, kẽm và các kim loại khác dưới đáy biển đang chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ nhờ sự trỗi dậy của các công nghệ xanh.

Bộ Năng lượng và dầu mỏ Na Uy cho biết Na Uy có thể cấp phép cho các công ty khai khoáng dưới đáy biển sâu sớm nhất là vào năm 2023. Động thái này có thể sẽ đưa Na Uy trở thành một trong những những nước đầu tiên trên thế giới khai thác kim loại dưới đáy biển để cung cấp cho pin xe điện, tuốc bin gió và các trang trại điện mặt trời...

Tiên phong khai khoáng ở đáy biển

Hôm 12-1, Na Uy thông báo bắt đầu chuẩn bị các bước để nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, mở đường cho việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản kim loại dưới đáy biển. Quyết định này được đưa ra sau ba năm khảo cứu và phát hiện trữ lượng lớn của quặng đồng, kẽm, cobalt, vàng và bạc ở dưới đáy biển thuộc thềm lục địa Na Uy, theo Cơ quan quản lý dầu mỏ Na Uy, đơn vị thực hiện cuộc khảo cứu.

Na Uy muốn giàu hơn với khoáng sản kim loại dưới đáy biển
Hình ảnh từ cuộc khảo cứu của Cục Quản lý Dầu mỏ Na Uy cho thấy các khối hợp chất sulphur đa kim ở đáy biển thuộc thềm lục địa của nước này. Ảnh: NPD

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học và công nghệ Na Uy (NTNU), thềm lục địa Na Uy có thể chứa trữ lượng đồng lên đến 21,7 triệu tấn, tức lớn hơn tổng sản lượng đồng của thế giới trong năm 2019 và trữ lượng kẽm 22,7 triệu tấn.

“Việc khai thác đồng ở đáy biển thuộc quyền tài phán của Na Uy có thể sẽ không bao giờ thay thế được hoạt động khai thác đồng ở lục địa nhưng có thể là nguồn đóng góp quan trọng để đáp ứng nhu cầu của thế giới trong tương lai”, Trợ lý giáo sư Steinar Loeve Ellefmo ở NTNU, nói

Các kim loại được phát hiện dưới đáy biển của Na Uy dưới dạng hợp chất hợp chất sulphur đa kim, được hình thành khi nước biển tiếp xúc với đá mắc ma (đá nóng chảy) và bị đẩy ngược về đáy biển mang theo các kim loại và sulphur đã hòa tan.
Các cuộc khảo cứu cũng phát hiện hàm lượng cao của lithium và kim loại đất hiếm scandium (được sử dụng nhiều ở các linh kiện điện tử) và các lớp hợp kim mangan hình thành trên bề mặt đáy biển.

Chuyển hướng khỏi dầu khí

Nguồn lợi dầu khí đã giúp Na Uy, một quốc gia chỉ có 5,4 triệu dân, trở nên thinh vượng. Nhưng nước này đang sốt sắng tìm các nguồn tài nguyên mới bao gồm khoáng sản kim loại để dần thay thế cho ngành công nghiệp dầu khí và để thể hiện vai trò trong nỗ lực thúc đẩy năng lượng xanh.
Na Uy đã lập bản đồ các trữ lượng kim loại ở vùng đáy biển nằm giữa đảo Jan Mayen và bán đảo Svalbard ở biển Na Uy.

Chính phủ Na Uy sẽ lấy ý kiến của công chúng về báo cáo giá tác động môi trường và về đề xuất mở các khu vực thăm dò và khai thác khoáng sản ở đáy biển vào cuối năm 2022. Sau đó, Quốc hội Na Uy sẽ tiến hành thảo luận và bỏ phiếu cho đề xuất này vào quí 2-2023. Bộ Năng lượng và dầu mỏ Na Uy cho biết nếu được quốc hội tán thành, giấy phép thăm dò có thể được cấp cho các công ty vào nửa cuối năm 2023 hoặc vào năm 2024.

Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA) của Liên Hợp Quốc đã cấp 30 hợp đồng thăm dò khoáng sản ở đáy biển, trong đó, Trung Quốc được cấp nhiều nhất với 5 hợp đồng.
Năm ngoái, do đại dịch Covid-19, ISA buộc phải dời kế hoạch phê duyệt các quy định quản lý hoạt động khai thác khoáng sản dưới đáy biển sang năm nay.
Tuy nhiên, Na Uy không cần phải đợi ISA vì các trữ lượng khoáng sản kim loại mà nước này phát hiện không nằm ở vùng biển quốc tế.

Bộ trưởng Năng lượng và dầu mỏ Na Uy, Tina Bru, nói: “Đây là một ngành công nghiệp có tiềm năng rất lớn”.
Nhật Bản cũng có kế hoạch tương tự nhưng dự án thăm dò khai thác khoáng sản dưới đáy biển với sự tham gia của các công ty tư nhân sẽ chưa khởi động trước năm 2026.

Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy nhận định khai thác khoáng sản kim loại ở đáy biển có thể mang về nguồn thu 20 tỉ đô la mỗi năm cho Na Uy vào năm 2050 so với 61 tỉ đô la từ dầu khí trong năm 2019 đồng thời sẽ tạo ra 20.000 việc làm

Công ty Seabird Exploration, chuyên lập bản đồ trữ lượng dầu khí ở đáy biển, đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu của một công ty con, hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng ở đáy biển, trên sàn chứng khoán Na Uy vào quí này. Công ty này tin rằng hoạt khai động khai thác khoáng sản ở đáy biển có thể khởi động vào cuối năm 2022 và sử dụng các công nghệ giống như ở ngành dầu khí. Công ty khai khoáng Nordic Mining (Na Uy) cũng cho biết sẽ xin cấp giấy phép thăm dò khoáng sản dưới đáy biển.

Lo ngại tác động môi trường

Dù nhu cầu các kim loại đồng, kẽm, lithium, mangan... đang tăng mạnh nhờ sự trỗi dậy của các công nghệ xanh, việc thăm dò và khai thác chúng ở đáy biển có thể gây tác động xấu đến môi trường.

Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đang kêu gọi tạm cấm khai thác khoáng sản ở đáy biển cho đến khi nắm bắt rõ ràng hơn về các loài sinh vật sống ở đáy biển và tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đối với chúng. Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức Hòa Bình xanh kêu gọi cấm vĩnh viễn việc khai thác khoáng sản dưới đáy biển.
Ủy ban Đại dương, bao gồm 14 quốc gia ven biển, trong đó có Na Uy (giữ vai trò đồng chủ tịch ủy ban này) đang tìm cách xây dựng chính sách đối với các đại dương trên thế giới. Vào tháng 12-2020, Ủy ban Đại dương công bố báo cáo nhấn mạnh cần phải nắm rõ tác động môi trường cũng như năng lực giảm thiểu tác động này xuống mức có thể chấp nhận được trước khi khai khoáng dưới đáy biển.

“Tôi tin rằng Na Uy có thể làm điều này theo cách bền vững nhưng chúng ta phải làm từng bước”, Bộ trưởng Năng lượng và dầu mỏ Na Uy, Tina Bru nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới