Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năm 2009: cơ hội mới cho vốn FDI?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năm 2009: cơ hội mới cho vốn FDI?

Công nhân Công ty Liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi Guyomarc’h-VCN (Pháp-Việt Nam) đang đóng gói sản phẩm – Ảnh: Thành Trung

(TBKTSG Online) – Nắm bắt cơ hội trong khó khăn để thu hút và cải thiện chất lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là thách thức không nhỏ của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Nhiều tiền nhưng chưa biết cách tiêu

Tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (đăng ký) năm 2008 đạt 64 tỉ đô la Mỹ – một con số kỷ lục, so với mức 12 tỉ đô la năm 2006 và 21 tỉ đô la năm 2007, tức là gấp năm lần và ba lần theo tuần tự.

Những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, phần nào, đã tạo nên thành tích ấy.

Chỉ tính riêng hai năm 2007-2008, tổng vốn FDI đăng ký (mới) đã lên tới 85 tỉ đô la, tức là gấp hơn hai lần tổng số vốn đăng ký trong suốt 19 năm trước cộng lại.

Năm 2008 vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực trong thu hút vốn FDI. Nó phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam vẫn cao. Tình hình giải ngân năm 2008 cũng có cải thiện so với các năm trước, với con số 11,5 tỉ đô la, tăng khoảng 43% so với năm 2007.

Tuy vậy, từ cách đây khá lâu nhiều ý kiến đã cảnh báo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bất chấp lòng tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam cũng như vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn không phải là thấp.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn có thói quen nhìn vào số vốn đăng ký để đánh giá thành tựu của hoạt động đầu tư nước ngoài. Nhưng, trong bối cảnh được dự báo rất khó khăn của năm 2009, phải nhìn nhận và đánh giá khách quan hơn vai trò và tác động của dòng vốn này đối với sự phát triển kinh tế.

Nhiều chuyên gia nói nôm na thì Việt Nam thu hút được nhiều tiền từ nước ngoài do những yếu tố hấp dẫn nội tại của chính Việt Nam, nhưng lại chưa biết tranh thủ tiêu lượng tiền khổng lồ ấy để phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ và công nghiệp hóa đất nước.

Nguyên nhân phần nhiều là do những nút thắt cổ chai tồn tại lâu nay: hạ tầng xuống cấp trầm trọng, nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu nhà đầu tư (Intel từng mỏi mắt tìm nhân lực trong nước với chế độ lương bổng hấp dẫn song không thể tuyển đủ chỉ tiêu là một ví dụ), thiếu điện, thủ tục hành chính phức tạp.

Cơ hội mới?

Dễ thấy là xu hướng thu hẹp đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm nay. Họ sẽ điều chỉnh chiến lược đầu tư, do đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút FDI của Việt Nam.

Nhiều tập đoàn lớn như GM, Citi, Ford, Morgan Stanley… đã hứng chịu tác động trực tiếp từ khủng hoảng tài chính Mỹ chắc chắn sẽ cắt giảm đầu tư vào Việt Nam. Các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ phải tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, sa thải nhân viên và giảm bớt các dự án đầu tư mới sang các nước đang phát triển. Vì thế nhiều khả năng nhiều dự án FDI đã được cấp phép vào Việt Nam sẽ bị tạm ngưng hoặc rút bớt vốn, thậm chí cắt hẳn.

Theo GS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tranh thủ thời cơ mới là tối quan trọng.

Ông Mại gợi ý tại một hội thảo về FDI mới đây rằng, khi các tập đoàn lớn gặp khó khăn, các nhà đầu tư từ các nước xuất khẩu dầu mỏ được hưởng lợi do giá dầu thô tăng cao trước đó sẽ nắm cơ hội đầu tư mạnh ra nước ngoài với những dự án lớn.

Việt Nam đứng trước thời cơ lớn để trở thành một điểm đến mới cho các nhà đầu tư Trung Đông. Nếu thành công, sẽ bù đắp được sự sụt giảm vốn đầu tư cho năm nay (dự kiến chỉ còn một nửa so với mức 64 tỉ đô la năm ngoái).

Cơ hội rất lớn này cần phải tận dụng triệt để, trước hết bằng cách giải quyết triệt để các nút thắt cổ chai trong môi trường đầu tư.

Ông đề xuất Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thành lập ngay các nhóm công tác chuyên trách xử lý các vấn đề liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh. Cần xác định thứ tự ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực, đề ra các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư vào Việt Nam làm ăn.

Cần chú trọng chất lượng đồng vốn

Nhiều góp ý cho rằng, thu hút FDI cũng phải chuyển sang hướng coi trọng chất lượng và tính hiệu quả, thực hiện tốt quy hoạch ngành, quy hoạch vùng để tránh chồng chéo, chạy đua thu hút đầu tư giữa các địa phương. Vai trò giám sát của bộ cũng cần được nâng cao trong vấn đề cấp phép đầu tư của các địa phương.

Ngoài ra, những dự án nào chậm tiến độ, dự án “treo” và không có khả năng triển khai tiếp cần bị thu hồi giấy phép, trả lại đất cho các dự án khả thi. Điều này đòi hỏi năng lực giám sát và sự nghiêm minh của cơ quan chức năng.

Nhà đầu tư nào vi phạm Luật Bảo vệ môi trường cần bị xử lý nghiêm, song có lẽ quy trình thẩm định và cấp phép tại cấp địa phương cũng cần rà soát lại, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của người chịu trách nhiệm cấp phép cần được nâng cao.

Cuối cùng, “cũng cần nhân cơ hội này để xem xét toàn diện việc thu hút FDI của nước ta, là một nước công nghiệp hóa đi sau Việt Nam có thể tránh những sai lầm của các nước công nghiệp hóa đi trước, bảo đảm thu hút vốn vào những ngành, vùng kinh tế góp phần tốt nhất cho phát triển bền vững”, GS Mại kiến nghị.

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới