Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năm 2009 vẫn đầy thử thách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năm 2009 vẫn đầy thử thách

Đón mừng năm mới 2009 tại Hồng Kông

(TBKTSG Online) – Trải qua một năm 2008 nhiều biến động, lãnh đạo các nền kinh tế trên thế giới vẫn chưa thể lạc quan về triển vọng năm 2009 do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tăng trưởng chậm và suy giảm

Trong bài phát biểu đầu năm 2009, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã cảnh báo rằng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại, thậm chí chạm đáy trong nửa đầu năm 2009. Trước đó, ngày 16-12, chính phủ Hàn Quốc đã hạ mức dự đoán tỷ lệ tăng trưởng thêm 1 điểm phẩn trăm, chỉ còn 3% trong năm 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục lan rộng. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán rằng mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 của Hàn Quốc chỉ còn 2%.

Phó thống đốc ngân hàng Thái Lan-Atchana Waiquamdee cho biết, trong vài tháng đầu năm 2009, lạm phát của kinh tế Thái có thể lùi về mức âm. Các chuyên gia kinh tế nhận định năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ sụt giảm 1,3% do ảnh hưởng của cơn bão tài chính toàn cầu.

Cùng nhận định đó, Tổng thống Philippines Gloria Arroyo cho rằng kinh tế Phillipines không thể nằm ngoài vòng xoáy của cơn bão kinh tế toàn cầu. Nhìn về năm 2009, bà Arroyo nhấn mạnh những khó khăn của năm trước vẫn chưa thể kết thúc.

Chính phủ Singapore mới đây đã hạ mức dự báo lạm phát năm 2009 của nước này xuống còn 1 – 2% so với mức 2,5 – 3,5,% trước đó. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay nền kinh tế phát triển bậc nhất châu Á này tăng trưởng 1,5% trong năm 2008.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cho biết nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này có thể tăng trưởng 7% trong năm tài chính kết thúc ngày 31-3. Suy thoái ở Mỹ và châu Âu khiến xuất khẩu của Ấn Độ gặp khó và vốn đầu tư bị cắt giảm. Thất nghiệp lại góp phần làm giảm tiêu dùng vốn chiếm đến 60% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5,5% trong quí này, tốc độ chậm nhất trong 15 năm qua. Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu là 8% mỗi năm để tạo việc làm và bình ổn xã hội.

Hồi đầu tháng 12-2008, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết tăng trưởng trong khối sử dụng đồng euro sẽ giảm 0,6%, Đức giảm 0,8%, Pháp giảm 0,4%. Hậu quả rõ rệt nhất là tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ

“Chính phủ sẽ giúp đỡ các công ty tiềm năng hoạt động bình thường và tiếp tục thuê mướn lao động. Các công ty sẽ được hỗ trợ chi phí kinh doanh, kể cả tiền thuê nhà xưởng và tiền lương. Bên cạnh đó, chính phủ cũng nghiên cứu việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp”, ông Lý Hiển Long nói về kế hoạch của chính phủ Singapore sẽ được công bố vào ngày 22-1 tới.

Tương tự, trong kế hoạch phát triển kinh tế năm 2009, chính phủ Hàn Quốc sẽ thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua giảm thuế, tăng chi ngân sách. Chính phủ hỗ trợ những doanh nghiệp có tiềm năng, nhất là công ty vừa và nhỏ, đồng thời loại bỏ những cơ sở làm ăn thua lỗ. Những người mất việc làm hay phải đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ được hỗ trợ chi phí sinh hoạt.

Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi quan chức các bộ đưa ra các giải pháp chính sách nâng cao tính cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo như là sự chuẩn bị cần thiết cho thời kỳ hậu khủng hoảng. “Tăng trưởng kinh tế tương lai của một quốc gia phụ thuộc vào sự thành công của chính sách giáo dục, khoa học và văn hóa. Sự thất bại của các chính sách này sẽ phủ đám mây đen lên tương lai đất nước”, ông Lee nhấn mạnh. Những người thu nhập thấp sẽ được hưởng ưu đãi về giáo dục, được cấp học bổng hoặc hỗ trợ tài chính.

MỸ HẠNH (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới