Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năm 2010: Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỉ đô la

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năm 2010: Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỉ đô la

Minh Tâm thực hiện

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nói về tình hình ngành dệt may. Ảnh: Minh Tâm.

(TBKTSG Online) – Cuối tuần qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đón đoàn doanh nghiệp nước ngoài chuyên nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam, nhằm trao đổi và xúc tiến các chương trình xuất khẩu 2010. Dịp này, TBKTSG Online đã trao đổi với ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xoay quanh triển vọng của ngành trong năm tới.

TBKTSG Online: Thưa ông, tính đến thời điểm này, mục tiêu 9,2 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2009 có thể đạt được không?

– Ông Lê Quốc Ân: Theo con số ước tính của chúng tôi, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm nay sẽ chắc chắn đạt trên 9,1 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 0,5% so với năm 2008.

Tình hình cụ thể ở từng thị trường thì sao, thưa ông?

– Thị trường chủ lực của chúng ta là Mỹ thì trong năm qua giảm gần 5% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng trên 50%. Có một điều cần nhấn mạnh là kim ngạch tuy giảm 5% nhưng số lượng lại tăng 15%. Điều này cho thấy đơn giá bị giảm tới 20%. Việc sụt giảm ở thị trường Mỹ để xảy ra với tất cả các nước xuất khẩu hàng dệt may vào đây, trong đó Việt Nam có mức giảm thấp nhất .

Ở các thị trường truyền thống và chiếm tỷ trọng cao như châu Âu, Nhật Bản, kim ngạch đều tăng. Các thị trường khác như Hàn Quốc, Arab Saudi, Singapore, Malaysia, Úc, Canada có tăng nhưng không nhiều.

Ông đánh giá như thế nào về bức tranh xuất khẩu của ngành dệt may trong 2009?

– Theo tôi, năm nay tuy kim ngạch xuất khẩu không đạt được như dự kiến nhưng cũng đã có những tín hiệu đáng mừng, làm tiền đề cho những năm tiếp theo.

Trước hết, chúng ta có thêm một số sản phẩm xuất khẩu mới. Ví dụ, tăng cường xuất sợi đi Đài Loan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Barzil; xuất vải đi Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Nam Mỹ, thậm chí sang Đài Loan và ASEAN. Đặc biệt là xuất xơ và sợi sang Ấn Độ. Tuy giá trị những mặt hàng này không cao nhưng đây là những tín hiệu đáng mừng trong cơ cấu hàng dệt may xuất khẩu.

Điểm đặc biệt của năm qua là tỷ lệ nội địa hóa cao và xuất siêu của ngành dệt may tăng mạnh. Thống kê 11 tháng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,2 tỉ đô la Mỹ, trong khi nhập khẩu các loại bông, sợi, vải, phụ kiện là trên 5,8 tỉ đô la. Cần lưu ý rằng, số lượng này phục vụ cho cả xuất khẩu lẫn tiêu dùng nội địa. Vì vậy, khấu trừ đi thì còn lại nguyên phụ liệu để xuất khẩu là 4,3 tỉ đô la. Như vậy, 3,9 tỉ đô la chênh lệch giữa xuất và nhập coi như là phần xuất siêu, đạt tỷ lệ 48%. Những năm trước, con số này chỉ chiếm 20-30%.

Tôi cho rằng đây là điểm đặc biệt nhất của xuất khẩu dệt may trong năm nay. Trước nay, ai cũng nghĩ xuất khẩu dệt may chủ yếu là gia công. Nhưng năm nay, chúng tôi đã chứng minh được những giá trị mang lại. Về tỷ lệ nội địa hóa, nếu tính theo nguyên liệu nội địa trên tổng số nguyên liệu thì ngành dệt may đạt 44%, trong khi các năm chỉ khoảng 37-38%.

Trở lại với triển vọng của ngành trong năm 2010, ngành dệt may đặt mục tiêu trong năm tới như thế nào, thưa ông?

– Quỹ Tiền tệ thế giới, dự đoán GDP của toàn thế giới trong năm 2010 sẽ tăng khoảng 2,2%, trong đó Mỹ tăng khoảng 2%. Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ kéo theo sức mua của các thị trường như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ được cải thiện. Từ đây, cầu sẽ có cơ hội tăng. Tuy nhiên, con số cụ thể thì chúng tôi chưa dự đoán được.

Tín hiệu này cũng đã được thể hiện bằng việc trong thời gian gần đây, các đơn hàng đổ về nhiều hơn quý trước. Hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến hết quý 1, thậm chí có doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 6 năm sau. Đây là điều kiện để chúng ta nâng đơn giá lên. Chúng tôi hy vọng, đơn giá sẽ tăng trở lại bằng các năm trước đây.

Trên cơ sở này, Bộ Công Thương giao chỉ tiêu cho ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10-10,5 tỉ đô la, tăng khoảng 12% so với năm 2009. Và ngành dệt may đang phấn đấu cho mục tiêu này, tất nhiên là còn một số trở lực nhưng sẽ cố gắng vượt qua.

Ông vừa nói đến những trở lực. Vậy đó là những gì, thưa ông?

– Trở lực lớn nhất là vấn đề lao động. Hiện nay, ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp xuất hiện tình trạng thiếu lao động cục bộ. Bên cạnh đó là áp lực lương lên doanh nghiệp khi người lao động yêu cầu tăng lương. Chính phủ cũng tăng lương cơ bản. Thứ hai là những rào cản thương mại của thế giới vẫn tiếp tục đặt ra. Ví dụ, tại thị trường Mỹ, bắt đầu từ ngày 1-2-2010, các lô hàng xuất vào thị trường này phải có giấy chứng nhận an toàn với người sử dụng, họ gọi là giấy CPSA. Như vậy, doanh nghiệp lại mất thêm tiền để làm xác nhận này. Thêm vào đó là giá cả của nguyên phụ liệu đang bắt đầu tăng, gây áp lực lên giá thành sản phẩm.

Vậy ngành dệt may đã có những biện pháp gì để vượt qua các trở lực nói trên?

– Trước hết, phải giải được bài toán năng lực. Phải xây dựng mô hình sản xuất chất lượng cao để có điều kiện tăng thu nhập cho người lao động. Đây cũng chính là cách giữ lao động hiệu quả nhất.

Chuyển từ gia công sang hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) cộng với thiết kế để tăng giá trị gia tăng nhằm có thêm nhiều lợi nhuận.

Biện pháp thứ hai là phải di dời dần các nhà máy, xí nghiệp sản xuất khỏi các thành phố lớn, khu công nghiệp, chuyển sang phân tán trên cả nước để ở đâu cũng có nhà máy nhằm tận dụng được nguồn lao động nông nhàn, giải quyết bài toán thiếu hụt lao động.

Việc thứ ba là xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hai bên phải cùng cộng tác chặt chẽ. Có như vậy mới có thể đồng quan điểm và cùng giải quyết những vấn đề gặp phải.

Vấn đề thứ tư là tổ chức cung ứng nguyên phụ liệu trong nước. Đây là chuyện dài hạn. Phải thu hút các nhà đầu tư vào ngành này để tăng tỷ lệ nội địa hóa, chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ xuất khẩu. Từ đó sẽ có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh.

Xin cảm ơn ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới