Thứ tư, 7/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Năm 2014: tăng trưởng kinh tế Philippines chỉ sau TQ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năm 2014: tăng trưởng kinh tế Philippines chỉ sau TQ

Phúc Minh

Năm 2014: tăng trưởng kinh tế Philippines chỉ sau TQ
Philippines trở thành cường quốc kinh tế ở châu Á gần đây với tốc độ tăng trưởng khá cao nhờ vào chi tiêu quốc nội. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) - Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 của Philippines tăng 6,1% - chỉ thấp hơn Trung Quốc, nước có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất trong năm 2014 là 7,4%.

Chính phủ Philippines cho biết dịch vụ, nông nghiệp, xây dựng và chế tạo là những khu vực thúc đẩy cho sự tăng trưởng trên.

Những thay đổi

Trong hơn 4 năm qua, chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino đã ra sức dẹp các vụ trốn thuế, truy tố giới chức tham ô và áp dụng mức thuế cao đối với các sản phẩm thuốc lá, bia, rượu. Những hành động này giúp xếp hạng tín dụng của Philippines được cải thiện và nâng lên nhiều lần.

Chủ tịch Ủy ban lập pháp của Phòng Thương mại Mỹ, ông John Forbes, nói cơ cấu kinh tế Philippines đã chuyển từ dựa vào nông nghiệp sang dựa vào dịch vụ chỉ trong vòng vài năm, điều này giúp Philippines trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Hiện, nhiều nơi ở Philippines có khu công nghiệp đang thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong ngành chế tạo.

Ngoài ra, ngành hỗ trợ hành chính văn phòng và các trung tâm điện thoại phục vụ khách hàng cho các công ty nước ngoài là điểm sáng của khu vực dịch vụ của Philippines. Những hoạt động này tạo ra công ăn việc làm có mức lương cao hơn trung bình và thúc đẩy nhu cầu nhà đất cùng những dịch vụ khác. Trong năm 2013, những hoạt động này có doanh thu khoảng 16 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, ông Forbes cho rằng sự thành công của ngành này về lâu dài không được đảm bảo vì công nghệ tiếng nói đã bắt đầu thay thế những người tiếp điện thoại.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Ateneo de Manila, ông Cielito Habito, nhận định: "Nếu nông nghiệp, du lịch, chế tạo… có thể trở thành động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - thay vì chỉ có các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty địa ốc như vài thập niên qua – Philippines sẽ có sự tăng trưởng có cơ sở rộng rãi và bình đẳng hơn nhiều".

Năm ngoái, trong một hành động nhằm thu hút thêm đầu tư, Tổng thống Aquino đã ký đạo luật cho phép các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được kinh doanh tại Philippines. Trước đó, các công ty nước ngoài nói chung chỉ được sở hữu 40% vốn trong các công ty tại Philippines.

Chướng ngại vẫn còn

Mặc dù có nhiều sự thay đổi khiến Philippines trở thành cường quốc kinh tế tại châu Á gần đây với tốc độ tăng trưởng cao nhưng các nhà phân tích cho biết nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề đường sá không tốt, giá điện quá cao và thủ tục thành lập công ty rườm rà.

Trong năm 2014, Philippines thu hút hơn 5 tỉ đô la Mỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài - tăng hơn gấp đôi so với năm 2011. Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại Australia-New Zealand tại Philippines, ông Ian Porter, nói con số này thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 10 tỉ đô la Mỹ mà Phòng Thương mại Australia-New Zealand đề ra. Ông Porter cho rằng đầu tư vào Philippines vẫn còn nhiều chướng ngại. Ông nói: "Việc loại bỏ các điều khoản quy định bất lợi về kinh tế trong hiến pháp thật sự là một ưu tiên. Đây không phải chỉ là quan điểm của Phòng Thương mại của chúng tôi mà là quan điểm của hầu hết tổ chức thương nghiệp tại Philippines. Tôi nghĩ rằng đây là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài, khoản đầu tư cần thiết để nâng cao mức tăng trưởng kinh tế của Philippines".

Trong một đánh giá gây chú ý về môi trường đầu tư Philippines, đầu tuần này, Đại sứ Hàn Quốc tại Philippines cho biết các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bị lôi kéo đến những nước khác mà ông cho là mang lại cho họ “sự đối xử tốt hơn và dễ dự đoán hơn”. Mới đây, công ty viễn thông Samsung thông báo sẽ xây nhà máy điện thoại thông minh thứ hai tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 nền kinh tế Philippines, nhờ vào khoản ngoại hối hơn 20 tỉ đô la Mỹ/năm mà công nhân làm việc ở nước ngoài gửi về. Ông Habito cho rằng điều này khiến Philippines có một nền kinh tế bất thường, không giống các nước khác tại châu Á. Ông Habito nói kinh tế nhảy vọt mà không trải qua công nghiệp hóa đã tạo ra vấn đề.

Ngoài ra, tại Philippines, tổng thống chỉ đảm nhiệm một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Điều này khiến các nhà đầu tư e ngại về tính liện tục của các quy định và chính sách khi chính phủ mới lên thay.

Kinh tế Úc tăng trưởng chậm trong năm 2014

Ngày 4-3, Viện Thống kê Úc công bố số liệu cho thấy GDP năm 2014 của nước này chỉ tăng 2,5% - mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ năm 2013.

Bất chấp sự bùng nổ trong ngành bất động sản và xuất khẩu tài nguyên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Úc trong năm 2014 vẫn ở mức chậm. Trong ba tháng cuối năm 2014, GDP của Úc chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Úc tăng 7,2%, chủ yếu do tác động tích cực trong lĩnh vực tài nguyên, trong khi nhập khẩu sụt giảm. Bên cạnh đó, ngành bất động sản bùng nổ mạnh, đặc biệt tại các bang New South Wales và Victoria, cũng trở thành yếu tố giúp nền kinh tế Úc tăng trưởng.

Số liệu thống kê cũng cho thấy nhu cầu trong nước của Úc tăng 1,2% trong năm 2014. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân giảm năm thứ hai liên tiếp.

Các nhà phân tích khẳng định mức tăng trưởng kinh tế trên không đủ khuyến khích tạo thêm việc làm và kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp. Mức tăng trưởng an toàn cần đạt được là 3-3,5%.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới