(KTSG Online) - Trong đại dịch Covid-19, nhà đầu tư nhiệt tình rót tiền vào các công ty non trẻ có tiềm năng tăng trưởng với bất cứ mức định giá nào. Thế nhưng, tình hình hiện tại đã khác, các vòng gọi vốn mới gần như biến mất và hành động phổ biến của cộng đồng startup là sa thải nhân viên rồi đóng cửa. Năm 2023 được đánh giá là năm đầy sóng gió với doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Từng được định giá 3,8 tỉ đô la, ‘Uber của xe tải’ đóng cửa vì cạn tiền
- Startup công nghệ Mỹ lao đao khi môi trường kinh doanh trở nên u ám
Theo nền tảng theo dõi việc làm Layoffs.fyi, hơn 250.000 nhân viên của các công ty công nghệ đã bị sa thải trong năm 2023. Con số đó bao gồm các vụ sa thải hàng loạt ở những người khổng lồ trong ngành như Meta Platforms và Google và hàng nghìn việc làm người bị cắt giảm từ các startup.
Theo nhà cung cấp phần mềm ty quản lý vốn Carta, hơn 500 công ty khởi nghiệp (start-up) đã đóng cửa vào năm 2023. Con số start-up đóng cửa thực tế còn lớn hơn nhiều vì dữ liệu của Carta chỉ bao gồm các startup sử dụng phần mềm của hãng này và chủ yếu có trụ sở tại Mỹ.
Nhiều start-up khác cũng đang sa thải nhân viên và tìm kiếm nguồn huy động tiền mặt thay thế. Trong đó, start-up Stellar Pizza, có trụ sở ở bang California (Mỹ), sử dụng công nghệ robot để làm bánh pizza, là một trong những doanh nghiệp như vậy. Công ty đã cắt giảm một nửa lực lượng lao động trong năm nay và công bố một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng để cố gắng huy động 1,24 triệu đô la Mỹ. Số tiền này sẽ giúp công ty tiếp tục hoạt động trong 5 tháng.
“Đây là khoảng thời gian kỳ lạ trong thế giới đầu tư mạo hiểm. Tôi đang chiến đấu để duy trì hoạt động kinh doanh”, Benson Tsai, đồng sáng lập của Stellar Pizza nói.
Tâm lý trong cộng đồng khởi nghiệp đã thay đổi nhanh chóng sau niềm lạc quan tràn ngập trong thời kỳ bùng nổ đầu tư công nghệ mới nhất. Khi đợt sa thải cuối cùng xảy ra vào năm 2020, nhân sự của các start-up khởi nghiệp, đặc biệt là các kỹ sư công nghệ không quá lo lắng vì biết rằng sẽ nhanh chóng tìm được công việc khác. Ngày nay, ngành công nghệ đã trở nên “kém hiếu khách” hơn.
Nhân viên kinh doanh và tuyển dụng đang rời bỏ ngành công nghệ để đến những bến đỗ khác. “Ngay cả các kỹ sư cũng đang thỏa hiệp, chấp nhận những vai trò kém ổn định hơn, môi trường làm việc khắc nghiệt hoặc lương và phúc lợi thấp hơn”, Roger Lee, người sáng lập Layoffs.fyi nói.
Theo Layoffs.fyi, trong năm 2023, có 1.150 công ty công ty công nghệ sa thải nhân viên. Số lượng nhân viên mất việc lên đến 256.499 người. Ở năm trước đó, cũng đã có 1.064 công ty cắt giảm 164.969 nhân viên. Hiện tại, điều tội tệ nhất vẫn có thể xảy ra vì các quyết định sa thải thường có xu hướng tập trung vào các tháng 12 và tháng 1, thời điểm các công ty công nghệ lên kế hoạch ngân sách cho năm mới.
Sự đảo ngược vận may bất ngờ khiến một số nhà sáng lập startup choáng váng. Năm 2019, Sri Artham thành lập Hooray Foods, chuyên sản xuất thịt thay thế có nguồn gốc thực vật. Start-up có trụ sở ở San Francisco này đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của khách hàng về món thịt xông khói thuần chay. Sản phẩm của công ty đã giành được một vị trí trên kệ hàng của chuỗi cửa hàng bán thực phẩm Whole Foods.
Tuy nhiên, công ty không tăng trưởng đủ nhanh để trang trải chi phí. Đến khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay, Hooray đối mặt với các vấn đề tài chính mang tính sống còn.
Vì không thể huy động thêm tiền, vào tháng 9 rồi, Artham tuyên bố sẽ đóng cửa công ty. “Thật đáng thất vọng khi các nhà đầu tư rút lui”, ông nói.
Ngay cả những startup huy động được những khoản tiền khổng lồ cũng đóng cửa trong năm nay. Chẳng hạn, start-up công nghệ bất động sản, chuyên xây dựng nhà lắp ghép Veev ở bang California đã huy động được tổng cộng 400 triệu đô la Mỹ trước khi tuyên bố sẽ thanh lý tài sản vào tháng 11.
Trước đó, vào tháng 10, Convoy - một start-up ở Seattle chuyên cung cấp ứng dụng kết nối các chủ xe tải với chủ hàng có nhu cầu vận chuyển cũng đóng cửa sau khi không tìm được đối tác mua lại. Convoy từng được định giá 3,8 tỉ đô la và đã huy động được 260 triệu đô la trước khi ngừng hoạt động.
Thêm vào đó, nền tảng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số Olive ở bang Ohio vốn từng nhận được cam kết tài trợ trị giá 400 triệu đô la Mỹ cũng đã đóng cửa cách đây hơn một tháng.
Nhiều startup khác đã “bán mình” với giá rẻ sau khi tiến hành sa thải nhân viên. Trong đó, start-up về hội nghị video Loom ở California đã thực hiện hai đợt sa thải vào năm ngoái và sau đó, được bán cho Atlassian Corp vào tháng 10-2023 với giá 975 triệu đô la, thấp hơn đáng kể so với mức định giá 1,53 tỉ đô la trước đó.
Một doanh nghiệp khác là Perimeter 81, starup về an ninh mạng cũng được bán cho Check Point Software Technologies vào tháng 9-2023 với giá 490 triệu đô la. Trong một vòng gọi vốn năm ngoái, công ty này đã đạt được mức định giá 1 tỉ đô la.
Max Elder, người đang làm thủ tục phá sản theo Chương 7 để giải thể startup Nowadays ở bang California, chuyên sản xuất ức gà làm từ thực vật 3 năm tuổi, cho biết đáng lẽ bản thân nên dừng các nỗ lực duy trì công ty sớm hơn. Nếu dừng cuộc chơi sớm hơn, ít ra ông vẫn còn một phần trong số 10 triệu đô la đã huy động được. Số tiền này có thể trả chi phí pháp lý và các chi phí khác liên quan đến quy trình đóng cửa doanh nghiệp.
Với nguồn tài trợ eo hẹp, mô hình tăng trưởng mà các start-up đang theo đuổi có thể ngày càng nằm ngoài tầm với.
Theo Bloomberg