(KTSG Online) - Theo tính toán, để đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, việc cân đối cung-cầu điện có thể tăng trưởng phụ tải điện từ 6% đến 8,96%. Vì thế, năm tới, có thể cần tối thiểu 50.000 MW và tối đa là 52.000 MW điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
- Thiếu điện thúc đẩy cuộc chuyển đổi năng lượng xanh nơi các khu công nghiệp
- Thiếu điện trở thành nỗi lo của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam
Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình và công tác đảm bảo điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 diễn ra vào chiều 28-10, theo TTXVN.
Theo tính toán, để đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, việc cân đối cung-cầu điện năm 2024 có thể tăng trưởng phụ tải điện từ 6% đến 8,96%. Năm 2024 và thời gian tới phải xây dựng kịch bản, điều hành, giám sát, kiểm tra việc điều hành điện, trên cơ sở căn cứ nguồn điện, tải điện, phân phối điện, tình hình sử dụng điện và giá điện.
Trong năm 2024, phải xây dựng kịch bản điều hành điện trong điều kiện cả nước có tối thiểu 50.000 MW và tối đa là 52.000 MW điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Vì thế, cần đảm bảo đủ nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện bao gồm nước, than, khí... Trong đó, phải tạo điều kiện, khai thác tối đa nguồn than trong nước, chỉ nhập khẩu than khi trong nước không đáp ứng nhu cầu. Điều tiết nước, dự trữ nước tại các hồ đập cho cả sản xuất nông nghiệp và phục vụ thủy điện.
Cùng với đó là có kế hoạch huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo vào hệ thống, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước; khai thác tối đa các dự án điện khí; đồng thời xem xét khả năng nhập khẩu nếu cần thiết.