(KTSG Online) - Đà phục hồi của xuất khẩu và tác động của lãi suất cũng như lạm phát cao sẽ tiếp tục định hình tăng trưởng của các nền kinh tế khắp châu Á-Thái Bình Dương trong nửa cuối năm nay, theo nhận định của S&P Global Ratings.
Theo đó, sự gia tăng xuất khẩu sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP cao hơn ở Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2024. Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng sẽ được hưởng lợi từ xuất khẩu mạnh mẽ hơn.
- Kinh tế châu Á liệu có chạm đến ‘điểm ngọt ngào’ trong 2024?
- ADB: ASEAN là trụ đỡ cho tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển
Nhiều nền kinh tế hưởng lợi nhờ xuất khẩu mạnh mẽ
Trong báo cáo gần đây về triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương quí 3-2024, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế S&P Global Ratings ghi nhận, đà phục hồi xuất khẩu, ban đầu là linh kiện bán dẫn ở khu vực Đông Bắc Á đã lan rộng sang các lĩnh vực và nền kinh tế khác trong khu vực.
“Khối lượng xuất khẩu tăng dần lên sau đó ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu toàn cầu sẽ tăng trưởng đáng kể trong năm nay. Điều này một phần là nhờ sự kết thúc của chu kỳ giải phóng hàng tồn kho ở các nền kinh tế lớn”, báo cáo cho biết.
S&P Global Ratings nhận định, sự gia tăng xuất khẩu sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP cao hơn ở Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2024. Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng sẽ được hưởng lợi từ xuất khẩu mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, báo cáo dự đoán, tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ chậm lại trong năm nay. Lý do là lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập thực tế và tiêu dùng của người dân Nhật Bản. Trong khi đó, môi trường lãi suất cao dự kiến cản trở tăng trưởng GDP của Úc. Dù vậy, thị trường lao động mạnh mẽ sẽ giúp giảm bớt căng thẳng cho tăng trưởng của xứ sở chuột túi.
Đối với các thị trường mới nổi khác, nhu cầu nội địa tăng trưởng vững chắc và xuất khẩu gia tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Philippines và Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 6% và Indonesia tăng trưởng gần 5% trong năm 2024. Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo bứt tốc lên mức 6,7% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2027, dẫn đầu trong số các nền kinh tế lớn nhất ASEAN.
Báo cáo cho rằng, các đồng tiền suy yếu trong khu vực sẽ hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu hóa chất, năng lượng và các hàng hóa nguyên liệu.
Theo S&P Global Ratings, triển vọng lãi suất chính sách của Mỹ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn có nghĩa là chính sách tiền tệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được nới lỏng ít hơn. Điều này sẽ gây áp lực lên nhu cầu nội địa của các nền kinh tế khu vực. Tổ chức xếp hạng tín dụng này cũng lưu ý, lãi suất của Mỹ có khả năng chỉ bắt đầu giảm vào cuối năm nay. Do vậy, tác động tích cực của việc giảm lãi suất đối với tăng trưởng chỉ thực sự diễn ra vào năm 2025 do độ trễ của truyền dẫn chính sách tiền tệ.
Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ cắt giảm lãi suất của Fed. Tuy nhiên, nền kinh tế kiên cường của Mỹ là yếu tố tích cực cho xuất khẩu và tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. S&P Global Ratings dự đoán, mức tăng trưởng của khu vực (không bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản) sẽ đạt 5,1% trong năm 2024. Mức tăng trưởng này chậm lại so với 5,4% vào năm 2023 và dự kiến cải thiện lên mức 5,2% vào năm 2025.
Những rủi ro tăng trưởng chính của khu vực bao gồm nền kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh hơn dự kiến, tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc và sự suy giảm rõ rệt trong tiêu dùng nội địa ở các nước châu Á.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây ảnh hưởng thương mại toàn cầu
S&P Global Ratings nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 4,6% lên 4,8% trong năm nay sau khi ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong quí 1. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đối mặt với các rủi ro trong và ngoài nước. Rủi ro trong nước lớn nhất đối với tăng trưởng là sự suy yếu của thị trường bất động sản. Lĩnh vực nhà ở của Trung Quốc có thể chạm đáy trong năm nay, niềm tin của những người mua nhà tiềm năng vẫn còn yếu và sự hỗ trợ chính sách còn khiêm tốn.
Rủi ro chính từ bên ngoài là quá trình sắp xếp lại chuỗi cung ứng đang diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đối mặt với các rào cản lớn về thương mại và đầu tư của các đối tác thương mại lớn. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây công bố tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Trong khi, Mỹ hạn chế thương mại đối với một loạt sản phẩm của Trung Quốc, trọng tâm thuế của EU nhắm vào xe điện sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Động thái này của họ có thể sẽ khuyến khích các nước khác làm theo.
“Các tranh chấp thương mại gần đây làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây. Một số lĩnh vực như xe điện và công nghệ đối mặt với các rủi ro gia tăng từ các căng thẳng địa chính trị”, Eunice Tan, người đứng đầu bộ phận tín dụng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global Ratings nói.
Nếu xung đột thương mại gia tăng, dẫn đến các thị trường khác phát triển chuỗi cung ứng xe điện nội địa, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sẽ chịu áp lực. “Tương tự, việc phương Tây siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc có thể tác động đến chuỗi cung ứng và thương mại công nghệ toàn cầu”, báo cáo của S&P Global Ratings nhận định.
Báo cáo cho rằng, sự phổ biến các chính sách quốc tế nhằm hạn chế thương mại và đầu tư sẽ kìm hãm tăng trưởng của châu Á. Làn sóng điều chỉnh chuỗi cung ứng dẫn đến việc các công ty đa quốc gia dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nền kinh tế châu Á khác. Tuy nhiên, sẽ có ít nước được hưởng lợi hơn so với giả định. Điều này là do tác động tiêu cực của các chính sách đó đối với hoạt động kinh tế và thương mại tổng thể trong khu vực.
Theo Spglobal.com