(KTSG Online) - Dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2024 và lựa chọn nhà đầu tư năm 2025.
- Đề xuất bổ sung cảng Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển
- Trình Thủ tướng đề án nghiên cứu cảng Cần Giờ theo hướng cảng xanh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 746/TTg-CN về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, theo Baochinhphu.vn. Theo văn bản này, đề án đã được UBND TPHCM tổ chức nghiên cứu và Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong năm 2024, UBND TPHCM thẩm định, trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Năm 2025, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
UBND TPHCM và các bộ, cơ quan liên quan sử dụng tối đa thông tin, số liệu của đề án xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để cập nhật, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy định; hoàn thiện các quy hoạch liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất phục vụ đầu tư, khai thác bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 129.000 tỉ đồng. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km.
Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5 ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5 ha.
Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỉ đồng (5,5 tỉ đô la).