(KTSG Online) - Liên tiếp nhiều ngày qua, TPHCM xuất hiện mưa rải rác ở khu vực quận 1, 3, 10, Bình Thạnh… Tuy thời tiết mát, không có nhiều nắng nhưng chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím (UV) vẫn ở mức rất cao gây nguy hại đến con người.
- Chỉ số tia UV tại TPHCM ở ngưỡng gây hại rất cao từ ngày 13 đến 15-2
- Giáp Tết có mưa to trái mùa và nắng nóng sẽ gay gắt hơn
Theo TTXVN, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, thời tiết khu vực Nam bộ có nhiệt độ cao nhất từ 32 đến 34 độ, có nơi trên 34 độ, trong khi nhiệt độ thấp nhất có nơi dưới 22 độ. Từ 20-2 đến 26-2 sẽ có nắng vào ban ngày nhưng xen kẽ là mưa rào và dông, chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh miền Tây; cục bộ có nơi mưa vừa, trong mưa dông cần đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trước đó, liên tiếp nhiều ngày qua, đêm và sáng sớm ở TPHCM đã xuất hiện mưa rải rác ở các khu vực quận 1, 3, 10, Bình Thạnh… Các khu vực Nam bộ xuất hiện một số trận mưa to, điển hình tại An Giang lượng mưa đạt 91.6 mm, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ đạt 41 mm; một số tỉnh Tây Nam bộ mưa từ 15-25 mm. Đây được coi là những trận mưa trái mùa hiếm xảy ra, tần suất mưa cũng nhiều hơn.
Dự báo tuần này, thời tiết khu vực Nam bộ sẽ có áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, sau suy yếu. Đến khoảng ngày 24 và 25-2, áp cao lạnh lục địa được tăng cường, nhiễu động gió đông trên cao tác động yếu đến thời tiết các tỉnh Nam bộ, xuất hiện có mưa rào và dông vài nơi, có nơi mưa vừa.
Cũng theo TTXVN, tuy thời tiết mát, không có nhiều nắng nhưng chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím (UV) vẫn ở mức nguy hiểm. Các thành phố miền Nam đều đạt tia UV mức 9 là mức nguy cơ gây hại rất cao và phổ biến trong khoảng từ 11-14 giờ. Trong các ngày 21 đến 23-2, TPHCM, Cần Thơ, Cà Mau đều có chỉ số tia UV gây hại cao đến rất cao - đạt mức 10.
Với chỉ số UV ở mức cảnh báo, con người có khả năng bị say nắng, kiệt sức vì nóng, hoặc có thể sốc nhiệt nếu tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài ở ngoài trời.