(KTSG Online) - Phiên giao dịch đêm Giao thừa (31-1-2022) chuyển từ năm Tân Sửu qua Nhâm Dần không bừng sáng pháo hoa như mong đợi. Tuy nhiên, nếu tính cả năm âm lịch vừa qua, giá cà phê đều tăng rất tốt trên các thị trường. Hiệu suất đầu tư trên sàn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam hay dùng để tham chiếu, tăng 762 đô la Mỹ/tấn hay tăng 54,04% cơ sở kỳ hạn tháng 5-2022; còn trên sàn New York tăng 102,25 cts/lb, tương đương 2.254 đô la/tấn, tức tăng 76,74%.
Chuyện gì đã xảy ra trên sàn robusta?
Nhớ năm 2021, hiệu suất kinh doanh cả năm trên sàn London tăng 60%(1) nhưng chỉ riêng trong tháng 1-2022, giá robusta đã trút lại gần 6%. Chính vì vậy mà giá cà phê trên thị trường nội địa vừa qua khó nhọc lên 41 triệu đồng/tấn nay còn quanh mức 40 triệu đồng/tấn, thậm chí có nơi các công ty xuất nhập khẩu còn trả rẻ hơn, chỉ từ 39,5-39,8 triệu đồng/tấn.
Tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản của đồng đô la cộng với quyết định tăng lãi suất đồng bảng Anh của ngân hàng trung ương Vương quốc Anh để ngăn chặn lạm phát tăng cao đã thực sự gây sức ép tâm lý cho giới kinh doanh trên các sàn cà phê. Riêng robusta, giới đầu tư tài chính rõ ràng “tháo cược” ba bốn tuần liền để giảm lượng hợp đồng mua khống và nay chỉ còn 345.490 tấn so với cuối năm 2021 là 461.880 tấn, bình quân giảm hơn 29.000 tấn mỗi tuần.
Điều đáng nói là dù tồn kho đạt chuẩn, tức hàng được phép đấu giá trên sàn này, gần đây liên tục giảm nhưng vẫn không đẩy giá lên được. Tại thời điểm 29-1, cà phê đạt chuẩn được sàn báo cáo chỉ còn 93.770 tấn so với 142.550 tấn vào ngày 2-1, nhưng rõ ràng yếu tố tồn kho vẫn bị những lo toan về tài chính và lãi suất tăng lấn lướt.
Chỉ trong tháng qua, giá kỳ hạn London tháng 5-2022 mất 138 đô la/tấn (2.310-2.172) nên được hiểu do các quỹ đầu tư tài chính và giới kinh doanh mạnh tay giảm lượng hợp đồng dư mua trên sàn này. Đúng thôi, mua trữ nhiều làm gì khi biết lãi suất tiền vay sẽ tăng. Lãi suất vay đang ở mức 0% thì biết đâu nay mai lên 0,25% hay đáng ngại hơn 0,50%? Chính những phỏng đoán mang tính dự phòng ấy đã làm người kinh doanh cà phê càng lo và đi đến việc thanh lý quá đà.
Phải chuẩn bị gì cho năm mới?
Trong sản xuất và kinh doanh cà phê, người ta không lạ gì với chuyện giá tăng đó rồi giảm đó, hết giảm lại đến tăng. Tuy nhiên, cũng không nên quá lơ là chủ quan vì nếu như đà tháo cược liên tục xảy ra thì sẽ hại đến giá không chỉ từng tháng mà có thể đến bốn năm tháng liền hoặc dài ngày hơn.
Hiện tượng thanh lý các hợp đồng dư mua trên sàn phái sinh London còn phản ánh đến sản lượng cà phê robusta Brazil sắp thu hái vào tháng 4-2022 và nay có thể họ đã bán trước một phần để tranh thủ lúc giá cao. Nhiều chuyên gia dự báo có tên tuổi trên thị trường từng đoán sản lượng cà phê năm kinh doanh 2022 và một phần thuộc năm 2023 của Brazil ít nhất là 60 triệu bao (bao=60 ki-lô-gam).
Dự đoán đúng sai chưa cần biết nhưng tâm lý thị trường đang theo mạch ấy để làm giá. Chính vì thế mà giá giao dịch trong tháng 1-2022 cho tháng kỳ hạn tháng 5 của London mất đến 6%. Đây cũng là tháng bản lề trên thị trường tài chính nói chung, giá tháng đầu năm thường ảnh hưởng đến xu hướng giá cho toàn năm.
Tuy nhiên, với cách chống dịch kiên trì “0 Covid” của Trung Quốc, thị trường hàng hóa thương phẩm đang lo ngại sẽ xuất hiện những đứt gãy thất thường trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Giá cước vận tải bằng tàu container có khả năng chưa giảm, thậm chí còn dâng cao do giá dầu thô đang tiến dần lên 100 đô la/thùng… thì giá cà phê trên hai sàn phái sinh không mất hết cơ hội phục hồi nhưng chưa chắc giá cà phê tại các nước sản xuất được hưởng.
Người mua vẫn vin vào đó để hạ giá mua nhưng tăng giá bán lẻ. Vừa qua, một số thông tin cho rằng ngay từ đầu năm 2022, giá bán lẻ cà phê trên các kệ hàng tại các siêu thị bắt đầu tăng ít nhất 10% nhưng tại các thị trường cà phê nguyên liệu vẫn chưa “nhúc nhích”, thậm chí còn giảm. Nhìn đâu cho xa, ngay trên thị trường trong nước, giá cà phê nguyên liệu cứ giảm dần, từ 43 triệu đồng nay còn quanh hoặc dưới 40 triệu đồng/tấn.
Giá phái sinh robusta có khả năng phục hồi trong năm mới?
Đương nhiên là có. Nhưng với những động thái của thị trường hiện nay, chưa thể nói giá sẽ lấy lại hướng tăng và lên đến đâu. Giả sử như lấy mốc đỉnh của năm ngoái của sàn robusta là 2.384 đô la/tấn và arabica 252,35 cts/lb, tức chừng 5.565 đô la/tấn, thì e rằng người trữ hàng phải đợi khá lâu.
Đợi cho đến khi các nhà nhập khẩu tăng giá mua. Tính trên mức chênh lệch, trước đây trừ 450-500 đô la/tấn, thì liệu họ sẽ mua mức trừ 250-300 đô la/tấn dưới giá London hay là họ vẫn kiên trì với mức cũ với lý do cước tàu cao?
Đợi cho đến khi có tin các vùng cà phê Brazil bị đe dọa bởi các trận rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê năm kinh doanh 2023.
Trước mắt, có thể sẽ có đợt phục hồi mang tính kỹ thuật như các quỹ đầu tư và giới kinh doanh cân đối giữa lượng hợp đồng mua-bán, nhất là đợi Fed quyết định tăng lãi suất bao nhiêu điểm phần trăm, nếu 0,25%, giá phái sinh sẽ được điều chỉnh cho phù hợp vì giới kinh doanh đang làm giá cho đợt tăng mạnh 0,50%.
Như vậy, trữ hàng chờ giá xem ra là cách làm nên tránh trong giai đoạn hiện nay. Nên chăng cứ can đảm chọn đỉnh để bán và giải phóng hàng thật nhanh, đó âu cũng là cách hay nhất để bảo toàn vốn, bảo đảm lợi nhuận trong kinh doanh cà phê theo câu “muốn bắt được cọp, phải vào hang hùm”.
---------
(1) https://thesaigontimes.vn/yeu-to-nao-chi-phoi-gia-ca-phe-nam-2022/