Thứ bảy, 3/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nắm xôi thằng Bờm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nắm xôi thằng Bờm

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) - Đọc một bài viết về dinh dưỡng có câu “Việc kết hợp giữa hạt (gạo, bắp…) và đậu sẽ giúp chất đạm và vitamin trong thức ăn được tiếp thu tốt hơn”, tôi tủm tỉm cười một mình. Xôi đậu phộng, xôi đậu đen, xôi đậu xanh, xôi vò...  Túi khôn ông bà mình rộng thật. 

Người Việt thích ăn sáng bằng xôi, vừa  bổ vừa rẻ lại no lâu. Xôi trắng muốt điểm những hạt đậu phộng ngọt bùi còn nguyên lớp vỏ lụa mịn màng màu nâu nhạt, lấm tấm muối mè mặn ngọt vàng ươm, thêm ít hành phi thơm lừng, gói trong lớp lá chuối xanh dịu dàng. Muỗng ăn là khúc lá dứa cỡ gang tay, e ấp mời gọi từ phía mở ra hờ hững giữa hai bờ lá chuối với hai đầu gấp lại.

Quang gánh của bác hàng xôi phúc hậu là một bảng màu tráng lệ các họa sĩ tài ba cũng chào thua: vàng óng xôi vò, đỏ cam rực rỡ xôi gấc, tím sẫm và nền nã xôi nếp than, xanh non mềm mại xôi lá dứa, trắng-đen lập thể xôi đậu đen…

Hơn thế, bảng màu này còn đầy những mùi thơm quyến rũ: ngọt ngào của nếp, thanh nhã lá dứa, nồng nàn mè và đậu phộng rang, thơm ngậy hành phi... Ủ gói xôi trong lòng bàn tay và cảm nhận hơi nóng ấm áp qua lớp lá chuối - còn gì tuyệt hơn thế trong một buổi sáng mây mù, tiết trời lành lạnh.

Có  ba nàng “chẳng giống ai” trong họ nhà xôi là xôi bắp, xôi khúc và xôi vị. Xôi luôn nấu từ hạt nếp, trừ xôi bắp nấu từ loại bắp nếp. Những hạt bắp nằm quấn quít bên nhau, nở tung, trắng nõn, làm nền cho lớp đậu xanh vàng ươm xen với dừa nạo trắng muốt, lốm đốm nâu của mè và hành phi. Quà ruột của học trò nghèo đấy, rẻ mà no lại ngon ra phết. Xôi khúc thì sang hơn, lớp áo xôi mỡ màng bên ngoài kín đáo phủ lên cái bánh bột nếp trắng muốt có nhân thịt và đậu xanh đậm đà, thơm phức tiêu hành.

Trong các loại xôi - vốn là món “ăn no” - thì xôi vị là món “ăn chơi” duy nhất. (Xôi vò ăn với chè đường là món “hai trong một” nên tạm không kể đến). Hai lớp xôi xanh mượt, thơm mùi dừa và lá dứa bọc ở giữa lớp đậu xanh ngọt ngào vàng ngậy; xôi và đậu được nén chặt trong mâm gỗ, rồi cắt thành miếng nhỏ vuông vức, trên rắc mè rang. Tôi từng thấy xôi vị đông lạnh xuất khẩu ở nước ngoài, rã đông xong tuy cứng và ít thơm nhưng ăn vào cũng giúp vơi đi nỗi nhớ quê hương.

Đã định dừng nói chuyện xôi thì bạn tôi phê bình: “Thế xôi thịt đâu?”. Ừ nhỉ, mãi nhớ thời hàn vi mà quên bẵng ngày sang cả. Xôi gà thường là món đầu trong buổi giỗ ông bà, tổ tiên. Đĩa xôi trắng nền nã nằm khiêm tốn bên cạnh đĩa gà luộc da vàng óng và chén muối tiêu chanh. Mâm cúng bao giờ cũng đầy món ngon vật lạ, nhiều khi trong buổi hưởng cỗ sau khi cúng, người ta chẳng đụng đũa đến món xôi gà, nhưng thử mà xem, một lần không có xôi gà thì bỗng thấy thiếu một chút gì thân thuộc quý giá, như nhớ một người…

Nói chuyện lãng mạn khiến tôi lại nhớ đến xôi vò thịt quay. Cái màu vàng óng ả của xôi vò bên cạnh con heo sữa quay đỏ ửng, giòn rụm nằm gọn gàng trong mâm quả nhà trai mang đến nhà gái như sự hứa hẹn của một không khí tưng bừng hạnh phúc, đến nỗi ngày xưa có chàng trai đã nhờ cô gái vá áo giùm để rồi có cớ “trả công” nàng: “Giúp em một thúng xôi vò. Một con lợn béo, một vò rượu tăm…”.

Dĩ nhiên chàng còn “giúp”nhiều nữa, nhưng chừng đó cũng đủ hiểu “ý ở ngoài lời”!

Có một món người Huế rặt đi đâu cũng nhớ là xôi thịt hon. Xôi thịt hon ăn tuyệt nhất vào những ngày mưa dầm, bên nồi xôi vừa nấu xong hơi tỏa nghi ngút. Miếng thịt hon vàng ươm, thơm lừng mùi nghệ và sả, phảng phất thơm mùi rượu trắng, lớp da ở ngoài giòn sần sật lẫn với lớp thịt bên trong mềm nục càng làm tăng vị dẻo mịn màng của xôi. Đã thế, nếu may mà gắp được miếng nấm mèo giòn giòn, hạt đậu phộng bùi bùi hay miếng táo tàu ngòn ngọt, thì cứ ngậm mà nghe.

Những ngày còn ở Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi được ăn xôi thập cẩm, còn gọi nôm na là xôi mặn. Chỉ cần ghé vào một tủ kính bên đường, năm phút sau là đã có trong tay một hộp giấy mốp xinh xắn, bên trong là những hạt xôi ấm nóng trắng ngần đang chuẩn bị cuộc hòa duyên với lát lạp xưởng đỏ tươi, chả lụa trắng ngà, thịt chà bông mỏng mảnh và hành phi thơm ngào ngạt.

Lan man theo chặng đường xôi, chợt nhớ bài hát đồng dao thuở nhỏ:

Thằng Bờm có cái quạt mo. Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…”.

Hồi nhỏ, tôi thắc mắc mãi sao Bờm chịu đổi nắm xôi mà chẳng đoái hoài gì đến bò, trâu. Chắc Bờm đang đói bụng? Mà một cái quạt mo sao phú ông chịu đổi nhiều thế? Ừ nhỉ, quạt mo với phú ông biết đâu là vật cất giấu một thế giới khác, có tiếng mẹ ru hời và tay mẹ quạt cho con buổi trưa hè, có nắm cơm mẹ nắm trong mo cau cho con ăn đường, có hoa cau rụng nhẹ ngoài vườn lẫn tiếng bước chân khẽ khàng của cô thiếu nữ nhà bên…

MINH LÊ  (Rotterdam)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới