(KTSG) - Việc các ngân hàng hạn chế cho vay trong thời gian qua không chỉ đơn thuần ở câu chuyện room tín dụng, vì thực tế cho thấy khi room đã được nới thì tín dụng cũng không tăng quá nhanh. Còn nhiều lý do khác tác động lên chính sách cho vay của các ngân hàng trong thời gian qua cũng như sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong năm sau.
- NHNN ngăn cuộc đua lãi suất, yêu cầu cấp tín dụng cho một số dự án nhà ở
- Nỗ lực khơi dòng tín dụng cho doanh nghiệp
Kịp về đích năm?
12,87% là mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế so với đầu năm 2022, tính đến ngày 21-12-2022. Con số này còn chưa chạm tới hạn mức (room) tín dụng cũ 14% và còn cách khá xa room tín dụng mới ở 15,5-16%, dù chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc năm tài chính.
Diễn biến này khá bất ngờ khi không ít dự báo cho rằng các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay sau khi được nới room tín dụng một lần nữa kể từ đầu tháng 12-2022, nhất là khi trước đó một số ngân hàng cho rằng vì sớm hết room nên không thể cho vay thêm được.
Còn số liệu cập nhật trước đó cho thấy tăng trưởng tín dụng đến ngày 29-11-2022 là 12,2% so với đầu năm 2022.
Như vậy, trong hơn 20 ngày đầu của tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm khoảng 0,67 điểm phần trăm, tương đương tăng khoảng 70.000 tỉ đồng. Con số này xấp xỉ mức tăng thêm 0,7 điểm phần trăm, tương đương tăng hơn 73.000 tỉ đồng của tháng 11, nhưng cao hơn nhiều mức tăng 0,46 điểm phần trăm, tương đương tăng hơn 48.000 tỉ đồng của tháng 10.
Nếu so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng đang ghi nhận mức tăng 13,96%. Do đó, không loại trừ khả năng các ngân hàng tăng tốc cho vay để kịp về đích năm và đẩy tín dụng toàn ngành khi kết thúc năm tiến gần hơn về mức 14% - mục tiêu cũ đặt ra từ đầu năm. Nếu căn cứ vào định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 đã được điều chỉnh tăng lên 15,5-16%, thì dư địa tín dụng còn có thể tăng thêm 3,13 điểm phần trăm, tương đương 326.000 tỉ đồng bơm ra nền kinh tế.
Có thể thấy việc nới thêm room tín dụng vào đầu tháng 12 vừa qua là khá trễ và dường như là giải pháp mang tính tâm lý cho thị trường nhiều hơn, vì trong thời gian ngắn ngủi còn lại như vậy thì hệ thống khó có thể tăng tốc cho vay để hoàn thành mục tiêu mới được.
Liên quan đến việc nới room tín dụng này, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng việc nới room không phải chỉ vì sức ép của doanh nghiệp mà chủ yếu do sức ép của tình hình kinh tế thế giới vào Việt Nam giảm bớt, các chỉ tiêu lớn về vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, thanh khoản…) đảm bảo, giúp NHNN yên tâm nới thêm room.
Xu hướng này cũng cho thấy việc các ngân hàng hạn chế cho vay trong thời gian qua không chỉ đơn thuần ở câu chuyện room tín dụng, như một số ngân hàng kêu ca trước đây, vì thực tế cho thấy khi room đã được nới thì tín dụng cũng không tăng quá nhanh như đã nói ở trên. Mà thực tế, còn nhiều lý do khác tác động lên chính sách cho vay của các ngân hàng trong thời gian qua cũng như sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong năm sau.
Nan giải cho năm 2023
Đầu tiên, dù nền kinh tế trong năm nay đã phục hồi tích cực, với tăng trưởng GDP cả năm lên đến 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phục hồi mạnh mẽ theo bối cảnh nền kinh tế chung như vậy.
Thực tế cho thấy năng lực sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp sau thời kỳ đại dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, trong khi những tháng cuối năm này hiện tượng đơn hàng quốc tế sụt giảm càng khiến hoạt động của không ít doanh nghiệp tiếp tục đối mặt khó khăn và thách thức, vì vậy nhu cầu vay vốn suy yếu theo là điều tất yếu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quí 4-2022 chỉ tăng 3%, là mức tăng thấp nhất so với các quí của năm 2022, do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên, vật liệu. Một dữ liệu khác đáng chú ý là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2022 là 143.200 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với năm trước; bình quân một tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Yếu tố thứ hai là việc lãi suất cho vay đã tăng mạnh trong thời gian gần đây theo lãi suất huy động của các ngân hàng, như là giải pháp để kiềm chế tỷ giá và kiểm soát lạm phát, cũng khiến các doanh nghiệp không quá mặn mà với việc vay vốn do lo ngại rủi ro lãi suất đang ngày càng gia tăng. Như giới phân tích đã chỉ ra, với lãi suất cho vay đã leo lên mức 13-15%/năm, các doanh nghiệp khó có thể đảm bảo tỷ suất sinh lời đủ cao để bù đắp cho chi phí lãi vay leo thang quá nhanh như vậy.
Do đó với các doanh nghiệp chấp nhận vay ở mức lãi suất cao thì hoặc là họ phải chấp nhận để được tái cơ cấu nợ, hoặc vì dòng tiền kinh doanh đang gặp vấn đề lớn và nhu cầu vốn đã rất cấp thiết. Nhưng rõ ràng rủi ro của những doanh nghiệp dám chấp nhận vay ở mức lãi suất như vậy cũng sẽ rất cao, do đó chưa chắc gì các ngân hàng đã dám cho vay. Nói cách khác, lãi suất cao đang là một trong những yếu tố quan trọng cản trở khả năng phát triển tín dụng và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.
Chia sẻ định hướng cho năm 2023, NHNN cho biết sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Đại diện NHNN cho rằng “Điều hành chính sách tiền tệ không phải năm nào chỉ biết năm đó mà phải tính toán cho độ trễ dài hạn 2-3 năm nên việc đưa ra hạn mức tín dụng phải thận trọng”.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2022 tăng 4,55% so với năm trước, tuy nhiên NHNN đánh giá lạm phát lõi cơ bản tăng nhanh và đang ở mức đáng quan ngại. Cụ thể, lạm phát lõi tháng 1-2022 chỉ tăng 0,66% nhưng tháng 11 đã tăng hơn 4,82% và tháng 12 này ghi nhận mức tăng 4,99%.
Đây là mức tăng cao nhất 10 năm qua, nên sẽ gây sức ép lớn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ. Ngoài ra, do nền kinh tế có độ mở cao, áp lực lên tỷ giá rất lớn, nên chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được NHNN cân nhắc thận trọng, trên quan điểm xuyên suốt là cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát.
Cũng theo NHNN, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ đòn bẩy tín dụng cao nhất thế giới (tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP lên tới 124%). Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm kéo dài thời gian tới thì tín dụng luôn tăng trưởng gấp đôi GDP, khiến tỷ lệ đòn bẩy tín dụng càng tăng cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng. Từ những yếu tố có thể gây bất ổn vĩ mô như trên, NHNN có lẽ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau.
Về phần mình, trước những rủi ro khó lường của nền kinh tế như vậy, đặc biệt là với các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nguy cơ đứt dãy dòng tiền của nhiều doanh nghiệp thời gian qua, các ngân hàng sẽ khó có thể hạ bớt các chuẩn mực kiểm soát rủi ro, nên việc tiếp cận tín dụng sẽ không hề dễ dàng, đặc biệt là khu vực bất động sản.
Ngoài ra, với tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 đã gấp đôi tăng trưởng huy động vốn, ở cả tốc độ tăng trưởng lẫn số dư tuyệt đối, các ngân hàng cũng sẽ không đủ nguồn vốn dồi dào để rộng tay cho vay như giai đoạn trước đây, đặc biệt trong bối cảnh huy động vốn đang ngày càng bị cạnh tranh gay gắt và quyết liệt.
Với các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, khi đến cuối tháng 11, mới đạt doanh số cho vay gần 30.000 tỉ đồng, với dư nợ gần 23.000 tỉ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỉ đồng.
Theo đại diện NHNN, trong trường hợp có tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách, tức là có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp để cho vay, thì khả năng hấp thụ chính sách có thể tăng lên, nhưng thị trường cũng không thể hấp thụ hết gói 40.000 tỉ đồng, do đó tăng trưởng tín dụng trong năm sau có lẽ sẽ còn đối mặt với không ít vấn đề nan giải.