Thứ tư, 5/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nan giải vấn nạn bạo lực học đường

TS. Nguyễn Hoàng Chương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Báo Tuổi Trẻ (12-11) đưa tin, tại trường THCS Nguyễn Huệ (xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông), sau buổi chào cờ sáng tại trường, do mâu thuẫn, hai nam sinh đâm hai nữ sinh trọng thương phải nhập viện cấp cứu.

Điểm lại, từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường làm xã hội hết sức lo ngại, trăn trở, bức xúc. Có thể thấy, bạo lực học đường ngày càng tăng về số lượng, tính chất càng manh động! Đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, trước hết, của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để chấn chỉnh suy thoái đạo đức trong một bộ phận học sinh, sinh viên.

Bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, tính chất nghiêm trọng, tạo lực cản đối với đổi mới giáo dục, gây mất an toàn trường học, xói mòn giá trị “tiên học lễ, hậu học văn”. Ảnh minh họa: TL

Đối với học sinh THCS, THPT, hình thức kỷ luật cao nhất hiện nay là “buộc ngừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT”. Trước đây (thời 2.0, 3.0), học sinh bị đuổi học, các em nhận thức sự nặng nề, áp lực, cô đơn khi không được đến trường cùng bạn bè.

Bây giờ, tuy phải tạm thời ngừng học ở trường, nhưng có “smartphone” học sinh bị kỷ luật vẫn kết nối với “chiến hữu”, vẫn game... Những em lười học coi thời gian bị đuổi học là... nghỉ học có lý do chính đáng!? Một số trường yêu cầu trong thời gian kỷ luật, học sinh đến trường lao động vệ sinh trường lớp, đọc sách... Nhưng với học sinh “cá biệt”, các biện pháp đó không mấy hiệu quả nên sau thời gian chịu kỷ luật, chứng nào tật ấy! Thực trạng này đòi hỏi giải pháp căn cơ, mạnh mẽ, đột phá, nghiêm khắc từ ngành giáo dục, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, địa phương, các bộ, ngành chức năng.

Một là, với những vụ việc nghiêm trọng, không dừng ở việc đuổi học mà cần đưa các học sinh này vào trường giáo dưỡng, quản chế chặt chẽ, cứng rắn, linh hoạt, mới có thể thay đổi. Khởi tố một, hai vụ tiêu biểu, phạt nặng - nghiêm, cảnh tỉnh học sinh ương bướng, cả với phụ huynh, nhà trường. “Mạnh tay”, để hàng chục triệu học sinh biết sợ mà không dám làm - suy cho cùng - đó là dạy người.

Hai là, chú trọng hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách, rèn kỹ năng sống; đặc biệt, rèn học sinh đức tính lễ phép, thân thiện, bao dung. Phát triển văn hóa học đường có tiêu chí cụ thể, bằng giáo dục sống động - thực tế, không sáo rỗng, không hình thức, càng không nặng nề thi đua, điểm số, thi cử.

Ba là, giáo dục học sinh bằng việc nêu gương từ thầy cô. Trui rèn đạo đức nhà giáo phải là quyết sách hàng đầu của giáo dục. Thầy cô tốt, ắt có học sinh ngoan. Chú trọng đào tạo nhà giáo, giáo viên tự học, trường học là môi trường để thầy cô tự tin, có động lực, có khát vọng sống mẫu mực, nhân hậu. Mỗi bài giảng là tiếng lòng của giáo viên giúp học sinh nên người, chứ không nặng nề thêm - bớt kiến thức, điều này, dần lạc hậu giáo dục số!

Tất nhiên, nhà trường - trong hành trình - rất cần sự phối hợp của phụ huynh, sự chung tay của xã hội. Thế nhưng, để giáo dục chuyển mình, lãnh đạo ngành này tạo đột phá với chức năng quản lý nhà nước của mình. Đó là luật, nghị định, thông tư... cùng với giám sát, thanh tra, kiểm tra, sâu sát cơ sở, thấu cảm với thầy cô, học sinh, phụ huynh, lắng nghe ý kiến của mọi người với tinh thần cầu thị.

Bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, tính chất nghiêm trọng, tạo lực cản đối với đổi mới giáo dục, gây mất an toàn trường học, xói mòn giá trị “tiên học lễ, hậu học văn”. Bộ GD&ĐT nhanh chóng phối hợp với ngành chức năng giáo dục thành phần học sinh cá biệt này để trường học thật sự vui mà học, học mà vui!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới