Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo để ‘chiếc bánh’ lợi nhuận ngày càng to lên

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – “Chiếc bánh” lợi nhuận tổng thể của ngành hàng lúa gạo hiện nay được đánh giá là không có sự phát triển, hay nói cách khác nguồn thu của người này tăng thì người kia sẽ giảm và ngược lại. Vậy làm sao để các chủ thể chính tham gia chuỗi lúa gạo gia tăng lợi nhuận và hưởng lợi từ những giá trị cộng thêm?

Tích hợp đa giá trị  và nâng cao giá trị của chuỗi lúa gạo để"chiếc bánh" lợi nhuận lớn hơn. Ảnh: H.P

Chuỗi ngành lúa gạo hiện nay được chia ra làm ba khâu cơ bản, bao gồm khâu cung cấp đầu vào là các doanh nghiệp vật tư nông nghiệp, giống; khâu sản xuất là người nông dân/hợp tác xã; khâu tiêu thụ sản phẩm là thương lái và doanh nghiệp mua bán nội địa, xuất khẩu. “Chiếc bánh” của chuỗi ngành này hiện được phân chia theo kiểu “người này được nhiều, thì người kia sẽ ít lại”.

Được người này, thiệt người kia

Tại hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” được tổ chức mới đây ở tỉnh Hậu Giang, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khi tư duy ngành lúa gạo còn kiểu “mua bán”, thì đồng nghĩa người này được hưởng nhiều, người kia sẽ được ít hơn. Bởi lẽ, “chiếc bánh” của chuỗi ngành lúa gạo là không đổi. “Thành thử, nó sẽ rơi vào cảnh nếu nông dân khá giả lên, thì doanh nghiệp sẽ khó khăn và ngược lại”, ông nói.

Qua diễn biến thực tế của ngành lúa gạo trong năm nay cũng thấy một điều rất rõ, đó là nông dân vui mừng vì đạt lợi nhuận cao do giá lúa từ 6.000 đồng/kg “nhảy vọt” lên mức 7.000 đồng/kg rồi 8.000 đồng/kg, thậm chí vượt 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ẩn phía sau niềm vui của nông dân là cảnh sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thậm chí thua lỗ nặng nề do giá xuất khẩu không theo kịp giá nội địa.

“Doanh nghiệp đã có đơn hàng rồi, bây giờ giá lúa cao quá, thì một là doanh nghiệp sẽ phải từ chối đơn hàng, chấp nhận bị phạt; hai là mua vào sẽ lỗ, tức lời người này thì sẽ lỗ người kia”, ông Hoan cho biết.

Trước đó, vào năm 2022, hàng loạt công ty sản xuất phân bón công bố báo cáo tài chính đạt lợi nhuận tăng vài lần so với năm trước đó. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, giá phân bón nông dân tiếp cận được cũng tăng rất cao, thậm chí vượt mức 1 triệu đồng/bao 50 kg đối với phân đạm, tức chi phí đầu tư của người nông dân cũng tăng mạnh theo hay nói cách khác lợi nhuận sẽ “đi xuống”.

Thực tế như nêu trên chính là câu chuyện đang diễn ra trong chuỗi ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và lúa gạo nói riêng. “Chúng ta chưa có triết lý kinh doanh san sẻ, cho nên, thời cơ của người này lại không phải của người khác”, ông Hoan nói.

Trong bức tranh tổng thể nêu trên, nông dân chính là người thường chịu thua thiệt nhiều hơn khi lợi nhuận giảm dần qua từng năm.

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho biết, tổng thu nhập nông dân trồng lúa ở thời điểm hiện nay tuy tăng cao hơn so với 10 năm trước (năm 2012), nhưng do chi phí đầu tư cũng tăng cao nên lợi nhuận thu được sụt giảm hơn.

Cụ thể, số liệu ghi nhận ở thời điểm năm 2012 cho thấy, doanh thu từ sản xuất lúa của nông dân đạt khoảng 108 triệu đồng/héc ta/năm, nhưng chi phí đầu tư lúc bấy giờ chỉ khoảng 42 triệu đồng/héc ta/năm, cho nên, lợi nhuận đạt khoảng 66 triệu đồng/héc ta/năm.

Tương tự vào thời điểm năm 2018 và 2023, doanh thu từ hoạt động sản xuất lúa của nông dân tăng cao hơn so với năm 2012. Thế nhưng, do chi phí đầu tư cũng tăng cao hơn, cho nên, lợi nhuận nông dân thu được chỉ còn 59 triệu đồng/héc ta/năm vào năm 2018 và 58 triệu đồng/héc ta/năm ở thời điểm hiện tại.

Theo ông Nhân, trong 10 năm qua, giá lúa tăng bình quân chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi giá phân bón tăng khoảng 4.000-7.000 đồng/kg (phân đạm và kali tăng khoảng 4.000 đồng/kg và DAP là khoảng 7.000 đồng/kg), đẩy chi phí sản xuất từ 2.000 đồng/kg lên mức khoảng 4.000 đồng/kg như hiện nay, nhất là ở vụ thu đông và hè thu.

Để "chiếc bánh" ngày càng lớn thêm

Từ thực trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Chỉ khi nào không gian giá trị lớn hơn không gian chúng ta nhìn thấy là bao nhiêu héc ta lúa, bao nhiêu tấn lúa trên đồng, tức chuyển từ đơn giá trị (hạt lúa) sang đa giá trị, thì lúc đó sẽ giải quyết hài hoà, chiếc bánh sẽ lớn hơn”.

Theo ông, khi đa giá trị, tức trên một cánh đồng có nhiều hoạt động trên nền cây lúa (lúa cá, lúa tôm, lúa du lịch nông nghiệp...), thì chiếc bánh sẽ lớn hơn, tức các thành phần trong chuỗi giá trị đều được chia phần nhiều hơn. “Nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền và ngành chuyên môn tư duy nhiệm kỳ nghĩa là chấm hết”, ông nhấn mạnh và kêu gọi, cùng nhau thay đổi, có chiến lược dài hạn để ngành nông nghiệp Việt Nam vượt lên.

Để hiện thực hoá "đa giá trị”, ông Hoan cho biết, đã thảo luận và gợi ý các tập đoàn lớn ký kết một chương trình hợp tác dài hạn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia vào đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phát thải thấp. “Điều này giúp chúng ta thực sự chuyển từ tư duy mua bán mùa vụ sang tư duy hợp tác trên những cánh đồng, trong đó, có những tập đoàn, doanh nghiệp dẫn dắt và có hợp tác xã/nông dân để bắt đầu”, ông nhấn mạnh.

Song song đó, việc chuẩn bị thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, theo ông Hoan, sẽ giúp nghiên cứu về giống, quy trình cây tác, quy trình sử dụng phân thuốc hợp lý cũng như nghiên cứu ra những sản phẩm tuần hoàn trên cây lúa hay nói cách khác sẽ tạo ra giá trị mới, chứ không phải chỉ mỗi vai trò “mua đi bán lại” trong và nước ngoài. “Khi đó, sẽ đi từ chuỗi ngành hàng, chứ không phải cắt khúc như hiện nay, giúp nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi lâu dài, giúp nhau cùng tiến”, ông cho biết.

Trao đổi với báo chí liên quan vấn đề nêu trên, TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ở ĐBSCL cho biết, dù ngành lúa gạo Việt Nam có bước chuyển mới, từ lượng sang chất, từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp nhìn từ hạt gạo, nhưng nó vẫn tồn tại những bất cập, nhất là tính bền vững của chuyện được giá hiện nay vẫn “mong manh”.

Theo ông, vấn đề hiện nay là phải làm sao giảm được chi phí đầu vào, tổ chức lại quá trình sản xuất cũng như đầu ra hạt gạo để tạo thành chuỗi giá trị thông suốt, mang lại lợi nhuận cao hơn.

Muốn vậy, ông Hiệp gợi ý, cách tiếp cận ngành lúa gạo không chỉ là trồng lúa, mà cần đặt trong một không gian phát triển mới, đó là lúa gạo tích hợp hay nói cách khác nếu người nông dân chỉ độc canh cây lúa thì khó làm giàu, nhất là khi quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

Vị chuyên gia kinh tế này gợi ý, trước khi nghĩ đến không gian phát triển mới của lúa gạo với sự tích hợp đa ngành, tức không chỉ là trồng lúa, mà có thể kết hợp nuôi thuỷ sản hay làm du lịch trên nền tảng cây lúa. Thậm chí, gia tăng giá trị từ việc sản xuất lúa giảm phát thải nhà kinh để có thể bán tín chỉ carbon, thì thứ nhất, phải bố trí hoặc quy hoạch được không gian vật lý để phát triển. “Trước khi nghĩ đến không gian tích hợp, thì cần có không gian vật lý với điều kiện tự nhiên thuận lợi nhằm mở rộng không gian giá trị”, ông cho biết.

Thứ hai, vẫn còn những "điểm nghẽn" về cơ chế chính sách, bao gồm thứ nhất, liên kết chuỗi giá trị giữa các tác nhân vẫn còn cắt khúc, nhỏ lẻ; thứ hai, liên kết những tiểu vùng gắn với phân bổ không gian, nhất là cơ chế chính sách liên quan đất đai. “Vừa rồi Quốc hội để lại dự thảo Luật đất đai cho thấy đây vẫn là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, trong khi phát triển cây lúa phụ thuộc vào cơ chế đất đai. Quy mô nhỏ lẻ thì làm sao tích tụ ruộng đất, lam sao có được sản xuất lớn?”, ông đặt vấn đề.

Cuối cùng, liên quan đến thị trường, theo ông Hiệp, cần cơ chế về điều hành chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó, xuất khẩu cần linh hoạt để đảm bảo lợi ích tối đa, chứ không phải khi giá gạo lên cao thì lo sợ ảnh hưởng an ninh lượng thực hoặc xuống thấp phải lo giải cứu cho nông dân. “Để phát triển bền vững, tôi cho rằng đây là 3 vấn đề hết sức quan trọng cho ngành hàng lúa gạo hiện nay”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Bên cạnh "đa giá trị" trên đồng ruộng, ông Bùi Bá Bổng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gợi ý, cần áp dụng các biện phát kỹ thuật canh tác tiến như: 1 phải 5 giảm hay 3 giảm 3 tăng vào quy trình sản xuất để giảm giá thành, tăng tối đa lợi nhuận cho người nông dân...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới