Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia qua lăng kính PCI

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia qua lăng kính PCI

TS. Đặng Quang Vinh (*)

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia qua lăng kính PCI
Cơ sở hạ tầng là một trong những điểm yếu của Việt Nam so với các điểm đầu tư khác. Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG) – Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2014). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2013 có thể là một chỉ dẫn…

Trong năm qua, các thước đo quốc tế về năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đều cho kết quả xấu. Theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2013-2014 (Global Competitiveness Index) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp vị trí thứ 70 trên 148 quốc gia. Riêng về thể chế kinh tế, Việt Nam xếp thứ 98 trong năm 2013-2014. Chỉ số môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2013 xếp Việt Nam ở vị trí 99. Một trong những điểm yếu của các chỉ số toàn cầu này là chúng chấm điểm dựa trên cảm nhận của các chuyên gia nhưng không đưa ra một mốc chung để so sánh. Do đó, kết quả thu được khá mơ hồ và việc so sánh giữa các quốc gia không có cơ sở vững chắc. Tuy vậy, chúng đều là những nguồn thông tin tham khảo được nhiều nhà đầu tư sử dụng.

Khảo sát PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khắc phục các điểm yếu này và cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng hơn về vị thế của Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế. Phiếu khảo sát PCI 2013 đã yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) so sánh Việt Nam với những địa điểm đầu tư khác mà họ đã đầu tư hoặc cân nhắc đầu tư và nơi xuất xứ của họ. Đà phát triển giảm sút và điểm số về cạnh tranh toàn cầu giảm khiến Việt Nam không còn là địa điểm đầu tư “dễ ăn” như những năm trước. Theo khảo sát PCI năm 2013, 54% doanh nghiệp FDI cho biết họ đã cân nhắc các địa điểm khác trước khi vào Việt Nam, tăng khá nhiều so với con số 32% trong khảo sát năm 2011. Ngoài các đối thủ cạnh tranh truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, hiện nay Việt Nam còn phải cạnh tranh với một số nền kinh tế mới nổi trong khu vực như Lào, Myanmar, Campuchia.

So với các nền kinh tế khác trong khu vực, nhìn chung Việt Nam được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao hơn về các yếu tố: rủi ro thu giữ tài sản; khả năng tham gia hoạch định chính sách; và mức thuế thấp (xem bảng 1). Trong khu vực Đông Á, chỉ có Đài Loan được coi là có rủi ro thu giữ tài sản thấp hơn Việt Nam trong khi rủi ro này tại các các nền kinh tế khác như Indonesia hay Lào cao hơn rất nhiều.

Một điều thú vị là Việt Nam được đánh giá về khả năng ảnh hưởng đến hoạch định chính sách cao hơn so với các điểm đến FDI khác ở Đông Á, kể cả Trung Quốc (60% đánh giá Việt Nam cao hơn) và Malaysia (58% đánh giá Việt Nam cao hơn). Chúng ta luôn đề cao ưu thế ổn định chính sách nhưng khảo sát PCI cho thấy các doanh nghiệp FDI đánh giá ổn định chính sách của Việt Nam không bằng ở Indonesia hay Myanmar, mặc dù ta cao hơn Trung Quốc hay Philippines.

Điểm yếu của Việt Nam so với các địa điểm đầu tư khác bao gồm: tham nhũng; hạn chế về quy định pháp luật; cơ sở hạ tầng và dịch vụ hành chính công. Trong các chỉ số này, Việt Nam không hề được đánh giá cao hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines, Đài Loan và Myanmar).

Một lần nữa, PCI 2013 đã chỉ rõ những điểm mạnh, điểm yếu về thể chế kinh doanh ở Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực và các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới – xuất xứ của dòng vốn FDI. Đã đến lúc Chính phủ có những hành động quyết liệt tham gia cuộc chạy đua nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, nâng cao điểm số và sức cạnh tranh của Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục các điểm yếu, trong đó cải cách thể chế và hành chính công là những vấn để có thể giải quyết sớm với chi phí thấp. Chống tham nhũng và phát triển cơ sở hạ tầng là những câu chuyện dài kỳ nhưng cũng không thể chậm trễ.

(*) Chuyên gia kinh tế chính Chương trình Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) – VCCI

Hướng tới môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng

Dù có số lượng áp đảo tại Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp dân doanh đang cảm nhận sự lấn át từ phía các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp lớn có mối quan hệ thân quen.

Kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp dân doanh đang lo ngại trước môi trường kinh doanh còn thiếu bình đẳng tại nhiều địa phương. Khoảng một phần ba doanh nghiệp dân doanh cho rằng việc chính quyền tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do trung ương quản lý là một trở ngại đối với hoạt động của họ. Tỷ lệ này cũng tương tự đối với các doanh nghiệp FDI và DNNN đã cổ phần hóa.

Ưu ái mà chính quyền tỉnh dành cho các DNNN thể hiện ở đâu? Có 27% doanh nghiệp dân doanh cho biết các DNNN có thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai và vay vốn, tín dụng. Khoảng 20% cho biết DNNN dễ dàng hơn trong tiếp cận tài nguyên như khoáng sản. Các DNNN cũng gặp thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (26%) và rõ rệt hơn cả là trong lĩnh vực mua sắm công (35%).

Điều tra PCI 2013 cho thấy khoảng 30% doanh nghiệp nhận thấy chính quyền các tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển kinh tế tư nhân. Cảm nhận rõ nét nhất chính là tại Thái Nguyên (46,3%), Phú Thọ (45%), Hải Dương (44,9%), Bà Rịa – Vũng Tàu (44,8%), Bắc Ninh (42,9%), Ninh Thuận (42,31%), là những nơi có lượng đầu tư nước ngoài lớn hoặc chính quyền đang tập trung mọi nỗ lực vào thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng trong năm 2013, có 32% doanh nghiệp dân doanh trong nước cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước, dù vậy con số này đã giảm đáng kể so với tỷ lệ 58% vào năm 2005 khi VCCI bắt đầu tiến hành điều tra PCI.

Mối lo ngại lớn khác đối với các doanh nghiệp dân doanh hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh của những doanh nghiệp thân hữu – những doanh nghiệp lớn có mối quan hệ với cán bộ chính quyền địa phương. Có tới 35% doanh nghiệp được khảo sát lo ngại rằng ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của họ. Khảo sát từ 63 tỉnh/thành phố cho thấy tại tỉnh trung vị có tới 96% doanh nghiệp dân doanh đồng ý cho rằng “hợp đồng, đất đai,… và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh”. Nơi có tỷ lệ này thấp nhất cũng lên tới 75%.

Minh Trí

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới