(KTSG Online) – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai đồng bộ với các luật có liên quan và phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò của thị trường khi điều chỉnh các quan hệ đất đai.
Thông điệp này được Thủ tướng nêu tại hội nghị lần thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI)(*), diễn ra sáng 14-2.
Việc sửa đổi Luật Đất đai cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản, gồm bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Việc điều chỉnh các quan hệ đất đai, theo Thủ tướng, phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường.
Theo đó, các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, cần tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai theo hướng ai làm tốt hơn thì giao nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và đội ngũ cán bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc.
Bên cạnh đó, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Thủ tướng nêu rõ phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, khuyến khích và lắng nghe các ý kiến phản biện từ nhiều góc cạnh.
Với những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện.
Với những vấn đề có lý, có tình nhưng chưa có sự đồng thuận cao, chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Với những vướng mắc về thể chế, cần nêu rõ vướng mắc ở đâu, chủ thể nào, đối tượng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi đưa ra chính sách mới cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động hết sức chặt chẽ, toàn diện, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống, thực hiện có hiệu quả.
Thủ tướng lưu ý một số vấn đề, như phân định rõ hơn vai trò của Nhà nước khi đại diện chủ sở hữu và khi thực hiện vai trò quản lý nhà nước. Quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, đột phá, ổn định nhưng linh hoạt, mang tính tổng thể, toàn diện, liên thông. Việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.
Về các nhiệm vụ tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ Biên tập và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, chắt lọc, thống nhất để hoàn thiện các báo cáo, dự thảo, trình cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất bảo đảm tiến độ, chất lượng.
-----------
(*) Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đất đai ở ta có mấy đặc điểm 1. Chật và hẹp, càng ngày càng hiếm, 2. Chủ thể không rõ ràng, thiếu trách nhiệm, 3. Sử dụng kém hiệu quả, lãng phí, phân tán, 4. Đất không quản kèm với nước, cây không quản kèm với rừng, 5. Đất vui chơi thì nhiều, dành cho làm ra của cải, văn hóa, giáo dục, y tế thì ít. Một phương án sử dụng đất hoàn chỉnh cần phải khắc phục đồng bộ các điểm yếu cốt tử nói trên.
Singapore có diện tích đất bình quân người dân chỉ bằng 1/25 của ta, nhưng họ dám tuyên bố là đang tiến đến “unlimited land” với nhiều phương án sử dụng đất/ nước/ không gian/ kiến trúc hiện đại theo những chuẩn mực thông minh. Làm gì thì làm nhưng trước hết phải bảo đảm quyền phúc lợi nhà ở đàng hoàng cho mọi người dân, đây là quyền hiến định ưu tiên số một.