Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nâng cấp hạ tầng, nhân lực để thúc đẩy du lịch GMS

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nâng cấp hạ tầng, nhân lực để thúc đẩy du lịch GMS

Thùy Dung

Nâng cấp hạ tầng, nhân lực để thúc đẩy du lịch GMS
Đoàn khách du lịch tại TP HCM – Ảnh: Đào Loan.

(TBKTSG Online) – Mặc dù tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, song, để đạt được 52,4 tỉ đô la Mỹ từ du lịch vào năm 2015, cần nhiều nỗ lực từ chính phủ và các doanh nghiệp các nước thành viên trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn du lịch tiểu vùng sông Mê Kông 2013 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Mục tiêu thu 52,4 tỉ đô la Mỹ từ du lịch vào năm 2015

Mê Kông là một trong những dòng sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng qua tỉnh Vân Nam Trung Quốc, chảy dọc biên giới Myanmar và Thái Lan, qua Lào, Campuchia, cuối cùng qua đồng bằng Nam bộ Việt Nam và đổ ra biển. Mục tiêu của các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) đề ra là thu hút 50,2 triệu lượt khách quốc tế đến khu vực với tổng thu từ du lịch đạt 52,4 tỉ đô la Mỹ, tạo 3,8 triệu việc làm và xóa đói giảm nghèo cho 1,2 triệu người.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê năm 2012, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực GMS đã đạt gần 44 triệu lượt. Riêng Việt Nam, 11 tháng đầu năm nay đã đón 6,85 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng trên 10%. Tính riêng lượng khách từ các nước trong tiểu vùng đạt khoảng 2,4 triệu lượt, chiếm 35% tổng lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ngành du lịch vốn là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam và các nước thuộc GMS. Với những ưu thế rõ nét về thiên nhiên và tiềm năng du lịch do những đặc trưng về văn hóa, xã hội, con người, Mê Kông đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách du lịch trên thế giới, mỗi năm đón nhiều đoàn khách nước ngoài tham quan và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của các dân tộc thuộc tiểu vùng Mê Kông.

Năm 2005, với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chiến lược du lịch cho các nước GMS đến năm 2015 đã được xây dựng tập trung vào 3 mục tiêu bao gồm phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển du lịch bền vững, du lịch vì người nghèo; phát triển sản phẩm và xúc tiến du lịch tiểu vùng.

Còn ông Trần Phú Cường – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết nhiều hoạt động đã được thực hiện trong thời gian qua và kết quả hợp tác du lịch tiểu vùng đã góp phần vào sự phát triển ngành du lịch của các nước trong khu vực, thể hiện rõ nhất là sự tăng trưởng về lượng khách du lịch quốc tế.

Nâng cấp hạ tầng, nguồn nhân lực

Theo ông Trần Phú Cường, điểm yếu trong việc phát triển du lịch mà tiểu vùng đang phải đối mặt gắn liền với 4 nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) nhiều hơn là Thái Lan và Trung Quốc, chủ yếu là cơ sở hạ tầng không đồng bộ và thiếu nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực du lịch.

Cũng theo ông Cường việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, nâng cấp các cửa khẩu quốc gia và quốc tế, miễn visa song phương là các biện pháp đang được triển khai để tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch.

“Tuy nhiên, các nước trong tiểu vùng tiến hành xây dựng và đưa vào áp dụng visa chung cho các nước GMS vào năm 2015. Hiện Thái Lan và Campuchia đã ký thỏa thuận thực hiện thí điểm mô hình này” – ông Cường nói.

Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Phùng Quang Thắng, Trưởng phòng đầu tư và phát triển, Tổng công ty du lịch Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực du lịch tăng đều mỗi năm nhưng cơ cấu lại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ nên họ thiếu điều kiện để tiếp cận với các chương trình hợp tác phát triển du lịch này.

Ông Thắng đề xuất, cần có một trung tâm dữ liệu bằng nhiều thứ tiếng về hoạt động của tiểu vùng để doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin và tận dụng những lợi thế đó để có chương trình du lịch hiệu quả hơn.

Còn theo ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Việt Nam, một trong những mục tiêu của chương trình là phát huy tính năng động của khu vực tư nhân để họ tạo nên sản phẩm du lịch là các tuyến hành trình đi qua các quốc gia tới các trung tâm lớn trong khu vực. Muốn vậy, việc nghiên cứu thị trường và các hoạt động tiếp thị, tham gia vào chuỗi cung ứng của mỗi doanh nghiệp trong khu vực phải tiến hành chủ động, tích cực; phải tìm ra được điểm chung, những yếu tố cạnh tranh và khai thác yếu tố thế mạnh của từng quốc gia, từng doanh nghiệp để đạt được lợi ích tối đa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới