Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng cấp nhân sự bất động sản trong cuộc tái cấu trúc toàn diện

Kim Ngân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hàng ngàn lao động trong ngành bất động sản đã mất việc trong 2 năm qua sau quá trình thanh lọc trên diện rộng của các doanh nghiệp. Bước vào giai đoạn phục hồi, các chuyên gia trong ngành cho rằng lực lượng môi giới cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về “chất” để đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Qua rồi thời "người người làm môi giới"

Giai đoạn thị trường bất động sản phát triển cực thịnh, hiện tượng "1 m2 chục người môi giới" không phải hiếm. Nhà nhà làm bất động sản, người người làm môi giới là có thật. Nhiều người còn truyền tai nhau có thể kiếm tiền tỉ khi "nhảy" vào những địa bàn "sốt đất" kiếm người mua đi bán lại vài mảnh đất rồi hưởng hoa hồng. Nhưng thời kiếm tiền "dễ như môi giới bất động sản" đã nhanh chóng qua đi.

Sau giai đoạn đại dịch và tiếp đó là 2 năm khó khăn thì lực lượng lao động trong ngành bất động sản nói chung và đội ngũ môi giới nói riêng đã “ra khỏi ngành” rất nhiều. Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services) sau khi đã mạnh tay cắt giảm hơn 2.700 nhân viên trong năm 2022 đã tiếp tục tin gọn bộ máy khi cho 1.000 nhân viên môi giới nghỉ việc trong năm 2023. Nhìn tổng thể, từ giai đoạn cao điểm (năm 2021), doanh nghiệp này có tới gần 6.100 nhân viên và cuối năm 2023 còn gần 2.300 người, giảm 60%.

Giai đoạn người người đổ xô đi làm môi giới bất động sản đã qua đi. Ảnh minh họa: DNCC

Biến động nhân sự không chỉ ở công ty con hoạt động trong lĩnh vực môi giới, ngay cả Tập đoàn Đất Xanh cũng chung tình cảnh. Năm 2023, tập đoàn này giảm hơn 1.300 nhân viên, còn khoảng 2.500 người. So với giai đoạn cao điểm, hơn 4.900 người lao động tại Đất Xanh đã mất việc.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng lựa chọn cắt giảm nhân sự trong thời buổi khó khăn để tiết kiệm chi phí. Tập đoàn Novaland trong năm 2023 giảm hơn 300 người nhưng so với cuối năm 2020, số nhân viên đã hao hụt đi gần 1.200 người.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng thừa nhận "cơn lốc" sa thải nhân sự không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp nhỏ mà còn cả các công ty lớn đầu ngành. Còn theo số liệu từ một đơn vị nghiên cứu, số lượng môi giới bất động sản đã giảm 60-70% chỉ trong một năm, tính tới cuối năm 2023.

Báo cáo từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy đến cuối năm 2023, thị trường chỉ còn khoảng 100.000 môi giới hoạt động, giảm 70%. Phần lớn môi giới bị giảm thu nhập, trong số đó nhiều người giảm 30-40% và khoảng 5% giảm trên 70%.

Bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Đất Xanh Services, thừa nhận sau giai đoạn dịch bệnh và khó khăn của ngành, các công ty môi giới đã cạn kiệt nguồn tiền tích lũy. Hoạt động kinh doanh không hiệu quả, dự án không có để bán ra, nguồn tiền thu vào nhỏ giọt, chi phí phát sinh... khiến các sàn môi giới phải cân nhắc chuyện đi tiếp hay dừng lại. Nhiều đơn vị đã phải chọn dừng lại để bảo toàn lực lượng, chờ giai đoạn tiếp theo của thị trường.

Câu chuyện rơi rụng nhân lực ngành môi giới không phải lần đầu tiên được bà Liên đề cập. Hồi giữa năm 2023, bà Liên thậm chí nhận xét rằng sau khoảng 1 năm khó khăn, một số công ty môi giới đã bị bỏ lại phía sau, có thể chỉ còn nhân sự quản lý, còn chủ nhưng không còn nhân viên. Một số công ty vẫn đang tiếp tục gồng với số lượng nhân sự tối thiểu để duy trì. Thị trường thiếu người bán hàng nghiêm trọng khi tỷ lệ môi giới bất động sản chuyển sang nghề khác vẫn ở mức cao.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Đất Xanh Services vào cuối năm 2023 cho thấy 63% môi giới đã rời ngành, chỉ còn 26% tiếp tục bám trụ với nghề và 11% làm việc môi giới bất động sản kèm thêm các công việc khác.

Xu hướng chung của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản năm qua là duy trì nhân sự cốt lõi, cẩn trọng việc mở mới hệ thống, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi mô hình hoặc ngành nghề kinh doanh... Đội ngũ môi giới, nhân viên trong ngành đối mặt với khó khăn trước cuộc sàng lọc đỉnh điểm, buộc họ phải tự đào thải hoặc tiếp tục bám trụ nếu giỏi nghề. Đồng thời, thị trường lại đối mặt với tình trạng đội ngũ môi giới bị thiếu hụt nghiêm trọng, tỷ lệ nhân sự rời ngành cao nhưng người có ý định quay lại thì rất thấp.

Chuẩn bị nội lực cho chu kỳ mới

Nhiều ý kiến cho rằng số ít môi giới còn trụ lại với thị trường là người có kinh nghiệm và giỏi chuyên môn. Tuy nhiên, để ngành bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, cần nhiều hơn thế đội ngũ như vậy. Bởi trước nay, tình trạng một bộ phận môi giới bất động sản hoạt động không đảm bảo chất lượng, không đủ phẩm chất từng bị lên án. Thậm chí, một số chuyên gia trong ngành còn đề nghị cần phải có các khóa đào tạo bài bản và đội ngũ môi giới cần phải trải qua các cuộc thi sát hạch, được cấp chứng chỉ hành nghề.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng 12-2023 đưa ra nhiều tiêu chí với cá nhân hoạt động trong ngành môi giới bất động sản. Đơn cử, cá nhân hành nghề phải có chứng chỉ, phải công tác trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Các quy định này sẽ giúp nâng cao chất lượng, năng lực môi giới, đồng thời cũng có thể là cuộc sàng lọc tự nhiên với những cá nhân không đủ đáp ứng điều kiện.

Nhân sự bất động sản phải nâng cấp về "chất" trong giai đoạn tái cấu trúc của thị trường. Ảnh minh họa: DNCC

Ngành bất động sản vừa đón nhận thêm cơ hội phục hồi, khi cùng lúc nhiều luật liên quan được thông qua, khơi thông vướng mắc pháp lý vốn là điểm nghẽn cố hữu. Nhưng ở khía cạnh kinh doanh, nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động là tương đối lớn. Nhân sự hao hụt có thể đặt ra thách thức kép với cộng đồng doanh nghiệp, khi vừa phải duy trì bộ máy, phát triển dự án, vừa phải kéo lực lượng môi giới trở lại khi thị trường hồi phục.

Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án của DKRA Group kỳ vọng các tín hiệu tích cực của thị trường sẽ xuất hiện trong năm 2024 và tạo động lực phục hồi. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024 sẽ diễn ra cuộc sàng lọc khắc nghiệt, một số doanh nghiệp có thể rời đi vì 2 năm khó khăn đã bào mòn các thành quả tích lũy. Ngược lại, cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, đủ khả năng vượt qua khó khăn để bắt đầu chu kỳ mới.

Lãnh đạo một công ty bất động sản tin rằng khó khăn sẽ tôi luyện bản lĩnh doanh nghiệp và đội ngũ quản lý. Những trở ngại sẽ chỉ là nhất thời, các giải pháp vững chắc mới là nền tảng giúp doanh nghiệp bền bỉ tiến lên. Khi thị trường sàng lọc lao động, doanh nghiệp có cơ hội nâng cao được chất lượng nhân sự, tuyển người mới với các tiêu chuẩn tương xứng.

Cuối năm 2023, thị trường xuất hiện các tín hiệu phục hồi, một số chủ đầu tư đã khởi động dự án, có đơn vị tuyển hàng ngàn môi giới với mức lương cao. Nhiều chủ đầu tư cũng đã chuyển đổi phương thức tiếp cận khách hàng, thay vì truyền thống đã áp dụng số hóa trong bất động sản, sử dụng các phương thức hiện đại hơn.

Vùng đáy của thị trường bất động sản đã ở lại năm 2023, những chuyển động tích cực của ngành trong thời gian gần đây các bên tham gia vào thị trường với tâm thế lạc quan hơn. Nguồn cung nhà ở có dấu hiệu cải thiện giúp người lao động của ngành quay trở lại với bề dày kinh nghiệm hơn. Thị trường sau thanh lọc cũng sẽ phát triển bền vững hơn trong dài hạn, nhất là các yếu tố pháp lý được kiện toàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới