Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng chất lượng, hạ giá thành để ‘cứu’ ngành cá tra

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tuy có mức tăng trưởng xuất khẩu dương trong những tháng gần đây, nhưng cá tra vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn. Do đó, để giúp ngành hàng này vượt qua khó khăn, hai vấn đề quan trọng cần giải quyết, đó là kiểm soát chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh…

Nâng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho ngành cá tra. Ảnh: Trung Chánh

Thương lái Trung Quốc thuê nhà máy gia công, mượn “code” xuất khẩu!

Để quản lý chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu, ngày 21-3-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư số 07/2017/TT-BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “sản phẩm thuỷ sản- cá tra phi lê đông lạnh” (thông tư có hiệu lực từ ngày 5-5-2017- PV).

Theo đó, thông tư nêu trên quy định, tỷ lệ mạ băng đối với cá tra phi lê xuất khẩu không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm và hàm ẩm (hàm lượng nước) không được lớn hơn 86% khối lượng tịnh của sản phẩm. Hai chỉ tiêu này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nhằm bảo vệ chất lượng sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có không ít thương lái Trung Quốc vào Việt Nam “núp bóng” phía sau người Việt để thành lập công ty TNHH, sau đó, thuê nhà máy sản xuất gia công và thuê cả HS code để xuất khẩu tiểu ngạch vào quốc gia này. HS code (Harmonized Commodity Description and Coding System) hay còn gọi là mã HS là mã số của hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hệ thống phân loại hàng hóa có tên là “hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” để xuất khẩu.

Trao đổi với KTSG Online, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho biết, các nhà máy sản xuất thuỷ sản ngưng hoạt động hoặc làm ăn không hiệu quả đã chuyển hướng sang "sản xuất gia công" cho thương lái Trung Quốc. “Họ (thương lái Trung Quốc) vào lập công ty TNHH rồi thuê nhà máy để sản xuất gia công”, ông Văn nói và thông tin, doanh nghiệp sản xuất gia công sẽ được thương lái Trung Quốc trả 7.000-8.000 đồng/kg, trong khi đơn vị cho thuê “code” xuất khẩu được trả 5 triệu đồng/container.

Theo dẫn chứng của ông Văn, có một doanh nghiệp đã bán nhà máy cho Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang, tức không còn sản xuất nữa, trong khi họ có "code" nên đã cho thuê để xuất khẩu.

Xét về mặt pháp lý, thương lái Trung Quốc có đủ các loại giấy tờ liên quan để xuất khẩu, tuy nhiên, theo ông Văn, việc này đang gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bởi lẽ, thương lái Trung Quốc sản xuất sản phẩm chất lượng thấp để có giá cạnh tranh. “Họ bán tiểu ngạch qua biên giới nên giá nào cũng bán”, ông Văn nói và cho rằng, thương lái Trung Quốc bán rẻ đến mức các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch của quốc gia này cũng... “chết”!.

Ông Trần Văn Hùng, người sáng lập Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, tình trạng nâng tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm trong sản phẩm cá tra đang bị một bộ phận lạm dụng để có giá rẻ. “Nhưng, việc này liệu có giúp chúng ta tồn tại hay không?”, ông đặt câu hỏi và lo lắng nói: “Mấy anh hạ giá để bán, rồi thêm phụ gia làm miếng cá "nhão nhẹt" như kem chuối, thì làm sao giữ được uy tín?”

Chính vì vậy, ông Hùng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cùng các đơn vị liên quan phải vào cuộc kiểm tra để bảo vệ chất lượng sản phẩm và uy tín của ngành cá tra Việt Nam.

Ông Phan Hoàng Duy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Cần Thơ (Caseamex) đồng quan điểm khi gợi ý, cần nhìn nhận lại về chất lượng sản phẩm. “Sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, nhưng chế biến nước ra nhóc hết, thì làm sao họ dám ăn tiếp lần sau?”, ông nói.

Từ vấn đề nêu trên, ông Văn của Trường Giang đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm. “Đơn vị nào một năm không hoạt động nữa thì nên dẹp, thu hồi code, phải tổng kiểm tra lại hết”, ông đề nghị.

"Kéo" giá thành sản xuất xuống

Bên cạnh củng cố chất lượng sản phẩm, vấn đề quan trọng cần thực hiện để gia tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu cá tra Việt Nam là phải kéo giảm giá thành sản xuất.

Ông Duy của Caseamex, cho biết cá tra Việt Nam đã xuất khẩu đi khoảng 150 thị trường trên thế giới, trong đó, kết quả khả sát sơ bộ của đơn vị này cho thấy, người tiêu dùng mua cá tra Việt Nam do đây sản phẩm cá thịt trắng có giá cạnh tranh.

Tuy nhiên, sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam đang ngày càng giảm khi các loại sản phẩm cùng phân khúc có giá sản xuất ngày càng thấp hơn.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thuỷ sản Cafatex dẫn chứng, trước đây giá thành sản xuất cá tra Việt Nam thấp hơn cá minh thái Alaska, nhưng bây giờ cao hơn. “Trước đây, giá thành sản xuất cá tra chỉ 1 đô la Mỹ/kg, nhưng bây giờ đã là 1,2-1,3 đô la Mỹ/kg, cao hơn cá Alaska Pollock (cá minh thái Alaska- PV)”, ông Kịch nói và cho rằng, chi phí thức ăn, thuốc, xăng, dầu, điện, nước tăng khiến giá thành sản xuất tăng.

Ông Văn của Trường Giang thì dẫn chứng, trước dịch Covid-19 thức ăn cá tra có giá chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng sau dịch đã "vọt" lên mức giá 13.000 đồng/kg. “Hiện có giảm trở lại, nhưng cũng hơn 12.000 đồng/kg”, ông cho biết và nói rằng, từ chỗ thức ăn chiếm 55-60% giá thành sản xuất cá tra, thì nay đã “nhảy" lên 70-80%.

Theo ông Văn, tình hình dịch bệnh gia tăng cũng khiến nhu cầu sử dụng thuốc phòng trị bệnh tăng theo, từ 200 đồng/kg đã tăng lên 300-500 đồng/kg, thậm chí lên 800 đồng/kg đối với nhưng ao nuôi bị dịch bệnh nhiều.

Cũng theo ông Văn, cá tra nhiễm ký sinh trùng khiến cuống mật bị chai cứng, dẫn đến cá không thể tiết mật để tiêu hoá, khiến thức ăn bị tiêu hao nhiều hơn. “Bình thường hệ số thức ăn chỉ 1,55-1,6 thì hiện nay tăng lên 1,7-1,8 (tức để nuôi 1 kg cá tra nguyên liệu phải tiêu tốn đến 1,7-1,8 kg thức ăn- PV)”, ông dẫn chứng.

Chính vì vậy, theo ông, con đường để ngành cá tra tồn tại là phải hạ giá thành sản xuất. “Muốn vậy, phải giảm tỷ lệ hao hụt, tăng trưởng nhanh, giảm dịch bệnh, hệ số thức ăn thấp”, ông cho biết.

Để kéo giảm giá thành sản xuất cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch VINAPA kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có ý kiến để Bộ Tài Chính giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ 2% như hiện nay xuống còn 0%.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó tổng thư ký VINAPA, cho rằng cách đây tư 10 năm, đã có công trình nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp cho ăn gián đoạn để hạ giá thành sản xuất cá tra. “Công trình này đã công bố và được ứng dụng từ cách đây 10 năm, cho nên, các doanh nghiệp, cơ sở nuôi nên áp dụng phương pháp này để hạ giá thành sản phẩm”, bà gợi ý.

Theo đó, phương pháp cho ăn gián đoạn được áp dụng theo cách thức một tuần nghỉ 2 ngày, tuy nhiên, kết quả đã được chứng minh qua thực tế là cá nuôi vẫn có tốc độ tăng trưởng đảm bảo như so với cho ăn liên tục. “Quan trọng nhất, hệ số tiêu hao thức ăn của phương pháp cho ăn gián đoạn giảm xuống còn 1,3-1,45”, bà Hồng cho biết và nói rằng, đơn vị này sẵn sàng hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở nuôi áp dụng để giúp giảm chi phí sản xuất cho ngành cá tra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới