Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi đưa ra dự thảo vào giữa năm ngoái, Chính phủ chính thức nâng số tiền tối đa chi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng từ mức 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng.

Theo Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hạn mức chi trả tiền bảo hiểm được ký ngày 20-10 vừa qua, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi (BHTG) chính thức được nâng lên mức 125 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12-12-2021 và sẽ thay thế cho Quyết định số 21/2017.

Đây là số tiền tối đa Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi (DIV) trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi), của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi chính thức được nâng lên. Ảnh minh họa: TTXVN.

Theo điều khoản chuyển tiếp, các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày Quyết đinh 32 có hiệu lực thì thực hiện theo Quyết định số 21/2017, tức hạn mức chi trả là 75 triệu đồng.

Từ trước đến nay, có nhiều ý kiến cho rằng hạn mức BHTG ở Việt Nam vẫn còn thấp và cần phải tăng lên.

Từ khi chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG đã 3 lần được điều chỉnh tăng lên tùy từng thời kỳ. Theo đó, hạn mức BHTG ở mức 30 triệu đồng trong giai đoạn 1999-2005, hạn mức 50 triệu đồng trong giai đoạn 2005-2017 và hạn mức 75 triệu đồng từ năm 2017 đến nay.

Quyết định tăng hạn mức BHTG này đã được hiện thực hóa sau khi dự thảo được đưa ra hồi năm ngoái. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), con số hạn mức cũ 75 triệu đồng là không còn phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay và theo thông lệ, hướng dẫn của quốc tế.

Cụ thể, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam khi đó được cho biết ở mức 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90-95% của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).

Với hạn mức mới 125 triệu đồng, tức gấp 2 lần GDP bình quân đầu người, tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI (từ 90-95%).

Mặt khác, theo tính toán của NHNN, nếu nâng hạn mức BHTG lên mức 125 triệu đồng thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% Quỹ tín dụng nhân dân. Nhóm tổ chức tín dụng này được xác định là còn nhiều khó khăn, hoạt động yếu kém, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nâng mức chi trả bảo hiểm tiền gởi cho người gởi tiền phải đi đôi với giảm tỷ lệ phí bảo hiểm phải nộp cho tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện giảm chi phí, giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Cần nói thêm là rủi ro hệ thống trong bộ phận tiền gởi tại ngân hàng hiện nay là bằng 0, do năng lực quản trị ngân hàng đang ở trạng thái tốt, thanh khoản dồi dào, đồng thời cần tính đến khả năng bảo đảm tài sản cho vay và độ rủi ro của từng tổ chức tín dụng để áp mức phí hợp lý.

  2. Bảo hiểm nhà nước đảm trách 3 vai trò 1. Thu phí, 2. Chi trả, 3. Sinh lợi. Hiện nay mới chỉ làm được một việc thứ 1 ? Nếu vậy phải xem xét lại vai trò như thế nào cho hiệu quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới