Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng hạng thị trường và câu chuyện minh bạch thông tin

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam cần hạn chế tình trạng doanh nghiệp nâng vốn ảo, doanh nghiệp kém chất lượng lên sàn, đồng thời cải thiện tính tuân thủ quy định về giao dịch, công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, đơn vị trung gian như các công ty chứng khoán, để tạo lòng tin với nhà đầu tư, qua đó đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường.

Tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam vẫn là trở ngại với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Ngày 28-7-2000, hai cổ phiếu đầu tiên được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Sau 23 năm, thị trường chứng khoán đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp và là một kênh đầu tư với sức hấp dẫn không thua kém những kênh khác.

Điều này phần nào thể hiện qua số lượng tài khoản mở mới hàng tháng và giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên liên tục gia tăng qua từng năm. Cụ thể, vốn hóa thị trường trên cả 3 sàn gồm HoSE, HNX và UPCoM vào thời điểm cuối tháng 9-2023 là 246 tỉ đô la Mỹ, gấp 5,6 lần so với 10 năm trước. Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt khoảng 1,1 tỉ đô la, gấp 17 lần so với 10 năm trước. Số lượng công ty có vốn hóa trên 1 tỉ đô la hiện tại lên đến 48 công ty, trong khi 10 năm trước chỉ có 8 công ty.

Nhưng song hành cùng sự phát triển của thị trường, là những đòi hỏi cao hơn từ các thành viên tham gia về tính minh bạch và chất lượng hàng hoá giao dịch.

Từ câu hỏi nâng hạng thị trường

"Chứng khoán Việt Nam khi nào được nâng hạng?" là câu hỏi được đặt ra liên tục trong báo cáo phân tích những năm gần nhất của các công ty chứng khoán. Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán  năm 2025 cũng được lãnh đạo Chính Phủ và Bộ Tài chính nhiều lần nhắc tới.

Theo đó, việc nâng hạng, nếu được thực hiện, sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn ngoại với kỳ vọng hàng tỉ đô la Mỹ được rót vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, thông tin nâng hạng thị trường Việt Nam vẫn chỉ nằm ở kỳ vọng của những nhà đầu tư trong nước và các cơ quan quản lý.

Thực tế, khoảng 34% là tỷ trọng vốn hóa thị trường của các cổ phiếu Việt Nam trong rổ danh mục thị trường cận biên của FTSE Russell, theo số liệu cập nhật ngày 31-8-2023, tương ứng cứ 3 đồng vốn hóa của danh mục có tới hơn 1 đồng từ Việt Nam. Với số lượng công ty lớn nhất là 103 tổ chức, trong đó có 6 tổ chức thuộc nhóm 10 đơn vị dẫn đầu về quy mô vốn hoá trong rổ chỉ số của FTSE, thị trường cận biên dường như trở nên chật hẹp với Việt Nam.

Nhưng vì nhiều lý do, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được hai tổ chức xếp hạng thị trường có tiếng trên thế giới là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên.

Với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc thị trường Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên - theo ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của VinaCapital - giống như ‘một con cá lớn nằm trong ao nhỏ’ do Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên của MSCI và FTSE Russell. Còn các thị trường ngay sau thị trường Việt Nam chỉ có tỷ trọng trên dưới 10%.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều thị trường còn “loay hoay” để đạt được các yếu tố về quy mô và thanh khoản để nâng hạng lên thị trường mới nổi, thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại tồn tại những vướng mắc về thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, là vướng mắc ở các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cũng cho rằng Việt Nam có tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi do được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức thị trường cận biên. Do đó, việc chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không xuất phát từ các yếu tố về quy mô và thanh khoản, mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Dũng, một trong những vấn đề quan trọng cần cải thiện chính là tăng cường quyền tiếp cận thông tin một cách công bằng và minh bạch cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng như khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh và nâng cao chất lượng thông tin công bố của các doanh nghiệp trên thị trường.

Tại kỳ đánh giá xếp hạng thị trường tháng 9-2023, FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng sau tròn 5 năm kể từ khi đưa vào, nhưng cũng đánh giá tiến độ cải cách thị trường còn chậm, dù đã có những cam kết được đưa ra từ lãnh đạo cấp cao.

Tới yêu cầu minh bạch thông tin

Nâng hạng thị trường cần sự chung tay của nhiều bên, không chỉ là của các bộ, ngành, mà còn từ các thành viên tham gia thị trường.

PGS. TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng thuộc Học viện Ngân hàng, cho rằng minh bạch thông tin là yêu cầu tất yếu nếu muốn nâng hạng thị trường. Theo đó, thông tin tài chính càng minh bạch, doanh nghiệp càng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Nhưng thực tế cho thấy ý thức tự nguyện trong cung cấp thông tin của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, cũng như nhiều thị trường chứng khoán đang phát triển thường không đem lại hiệu quả cao, khi lợi ích của minh bạch thông tin chưa thật sự được hiểu rõ. Ngay cả khi các cơ quan quản lý có đưa ra hệ thống các quy định, văn bản luật về nghĩa vụ công bố thông tin, thì việc tuân thủ của các công ty vẫn rất hạn chế. Một số công ty công khai thông tin mang tính hình thức, thông tin không đầy đủ, thậm chí đôi khi còn thiếu chính xác nghiêm trọng.

“Với những yêu cầu mang tính khuyến khích, không phải bắt buộc, như công bố thông tin bằng tiếng Anh, hay áp dụng chế độ kế toán IFRS, chỉ có số ít doanh nghiệp lớn đáp ứng được”, ông Dũng cho biết.

Còn ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức thuộc Công ty Chứng khoán SSI, cho biết số doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư, dựa trên các tiêu chí gồm: quản trị tốt, minh bạch, công bố thông tin tốt, quy mô doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông tốt... không nhiều, có thể chỉ khoảng 30-40 doanh nghiệp, dù thị trường chứng khoán có hàng trăm công ty. Đây là điều khá khó chịu đối với nhóm nhà đầu tư tiềm năng này.

Ngược lại, những doanh nghiệp nhỏ, sở hữu cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao, có nhiều hoạt động lũng loạn, tăng vốn ảo, tạo nhiều kẽ hở lách luật trên thị trường hiện không hề ít. Giai đoạn 2022-2023, các vụ án trên thị trường chứng khoán liên tục bị cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng, như vụ thao túng giá cổ phiếu tại Tập đoàn FLC, nhóm cổ phiếu “họ” Louis, APEC…

Thủ đoạn thường thấy là các đối tượng mở nhiều tài khoản, mua bán chứng khoán chéo để đẩy thanh khoản và giá cổ phiếu lên cao. Sau đó, khi nhà đầu tư trên thị trường bị cuốn vào, họ sẽ âm thầm bán ra kiếm lời.

Với riêng vụ án tại Tập đoàn FLC, các đối tượng còn có hành vi lập các hợp đồng góp vốn khống, nhằm tăng vốn điều lệ “ảo” cho Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.

Nhìn nhận về câu chuyện trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Kojima Kazunobu, chuyên gia tư vấn của JICA - tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa, cho rằng Việt Nam cần hạn chế tình trạng doanh nghiệp nâng vốn ảo, doanh nghiệp kém chất lượng lên sàn, từ đó nâng cao hiệu suất của chỉ số thị trường. Ngoài ra, cải thiện tính tuân thủ của các doanh nghiệp niêm yết, đơn vị trung gian như các công ty chứng khoán.

“Sự yếu kém của những đơn vị này góp phần gây ra các hành vi thao túng giá trên thị trường”, ông Kojima Kazunobu nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, Việt Nam cần nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ của các tổ chức trung gian trên thị trường, gồm các công ty chứng khoán. Cụ thể, có một thông lệ của Nhật Bản và các thị trường tiên tiến khác mà Việt Nam nên cân nhắc áp dụng là phát huy vai trò của các tổ chức tự quản để nâng cấp các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán.

Để tăng cường tính minh bạch thông tin của các công ty đại chúng, ông Trần Việt Dũng cho rằng, cần triển khai áp dụng Thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN (the ASEAN Corporate Scorecard), được ban hành năm 2011, dựa trên các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD).

“Việc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN sẽ giúp cung cấp nguồn thông tin hữu ích cho quyết định đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn của khu vực, từ đó, nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán nội địa”, ông Dũng cho hay.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cũng cho rằng minh bạch công bố thông tin là cần thiết.

“Sự thay đổi về chất lượng báo cáo diễn ra rất tốt ở nhiều lĩnh vực như: chứng khoán, ngân hàng, công nghệ. Dù vậy, đâu đó có điểm trừ như ngành bất động sản”, ông Tiến cho biết.

Cũng theo Tổng Giám đốc SHS, UBCKNN và các Sở giao dịch chứng khoán đã hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết trong việc công bố thông tin, cách thức tiếp cận cổng thông tin… Ngoài ra, cơ quan này cũng đi sâu vào 60% sai phạm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK) và phát hiện nguồn gốc là từ người nội bộ và xoáy sâu vào giải quyết.

“Cơ quan quản lý phải có biện pháp cứng rắn hơn nữa về minh bạch thông tin. Không kêu gọi nữa mà có biện pháp xử phạt, phân hạng thị trường theo quy mô doanh nghiệp để công bố thông tin, nếu quá hạn sẽ bị xử phạt”, ông Tiến nghị.

Bên cạnh việc minh bạch thông tin, PGS. TS Trần Việt Dũng cho rằng, một trong những yêu cầu bắt buộc để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, theo đánh giá của tổ chức đánh giá thị trường vốn quốc tế MSCI, là việc đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong nhiều phương diện, tính minh bạch và công bằng của thông tin niêm yết được đặt lên hàng đầu.

“Ngôn ngữ công bố thông tin phải bao gồm cả tiếng Anh, với thời hạn cập nhật tương đương với bản công bố bằng tiếng Việt. Điều này buộc các công ty niêm yết trên thị trường sẽ cần phải chuyển đổi, bổ sung phương pháp công bố thông tin nếu muốn nhận được lợi ích từ dòng vốn quốc tế khi thị trường lên hạng”, ông Việt Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia tài chính doanh nghiệp, nhận định chất lượng hàng hóa trên thị trường là vấn đề căn cơ nhất. Với doanh nghiệp niêm yết, phải minh bạch thông tin, nhưng thông tin đó phải chuẩn xác.

Với doanh nghiệp kiểm toán, phải đề cao yếu tố đạo đức nghề nghiệp và trình độ của kiểm toán viên khi tiến hành kiểm toán và đưa ra kết quả đánh giá "sức khỏe" của các doanh nghiệp niêm yết.

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin chân thành cảm ơn chia sẽ của a Văn Phong. Nhiều khi các bác quản lý TTCK cứ hô khẩu hiệu quen thuộc vậy, nhưng thực chất các bác vẫn chưa biết bên trong xâu xa của nó giá trị TTCK của mình đang nằm ở điểm nào. Đơn cử như cái lệnh ATC ngày hôm nay 23/11/2023 làm nhiều người cười người khóc. Vậy hỏi minh bạch ở đâu mà huy động vốn người đầu tư NN. Người ĐT trong nước đến 14h30 là thấy hồi hộp, còn đến 14h45 hàng ngày mới biết mình thắng hay thua. Đề nghị bỏ lệnh ATC hoặc áp dụng như một số nước tiến bộ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới