Năng lượng tái tạo từ rác đang bị lãng phí
Mạnh Tùng
Mỗi ngày, 10 triệu dân TPHCM thải ra từ 8.100-9.000 tấn rác sinh hoạt. Ảnh: Mạnh Tùng |
(TBKTSG Online) – Tổng lượng điện tái sinh từ hơn 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt tại TPHCM mỗi ngày có thể sản xuất được hơn 1 tỉ KWh điện/năm nhưng tiềm năng này đang bị bỏ ngỏ do thiếu chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp.
Đây là nhận định của hầu hết các chuyên gia tại hội thảo phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại TPHCM và các tỉnh phía Nam sáng 17-7. Hội thảo nằm trong khuôn khổ triển lãm công nghệ sản phẩm tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh Enertec Expo 2014 tổ chức tại TPHCM.
Theo ông Nguyễn Trung Việt, Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi năm TPHCM phải chi 2.200 tỉ đồng cho việc quản lý rác, trong đó khoảng 1.000 tỉ đồng để xử lý rác tại các bãi chôn lấp. Trong đó, 95% là ngân sách nhà nước và 5% còn lại người dân đóng góp.
Theo ông Việt, mỗi ngày, 10 triệu dân của TPHCM thải ra từ 8.100-9.000 tấn rác thải rắn, trong đó, công tác thu gom đạt 6.400-7.200 tấn/ngày. Khối lượng rác còn lại là do những người làm nghề ve chai thu gom để tái chế.
Ông Việt cho biết, 95% khối lượng rác thải được đem ra các bãi rác để chôn lấp và tại đây, hoàn toàn có thể đặt các hệ thống chuyển rác thành điện mang lại hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều dự án đã có trên kế hoạch nhưng thực hiện thì không đáng kể. Ông Việt nêu ví dụ, khoảng năm 2003, bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) được phía Hà Lan hỗ trợ lắp đặt hệ thống chuyển rác thành điện công suất 2,5 MW nhưng đến nay mới chỉ đạt được công suất 0,95 MW và đang hoạt động cầm chừng.
Ông Việt cho hay, giá mua điện quá thấp, chỉ 4 cent/kWh (khoảng 840 đồng/kWh) cùng với sự phức tạp của thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp này không đủ vốn để bảo trì các hệ thống máy tại đây.
Cũng theo ông Việt, việc xây các trạm sinh khí phát điện nằm trong địa bàn TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn vì quy định 17 ngành nghề không được đặt nhà máy sản xuất trong khu dân cư, khu nông nghiệp, khu công nghiệp của thành phố. "Cơ quan quản lý cho rằng các hệ thống này liên quan đến chất thải thì không được phép đặt trong thành phố, doanh nghiệp không biết phải làm sao”, theo ông Việt.
Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải, nhiều doanh nghiệp băn khoăn khi nghe thông tin UBND TPHCM có kế hoạch phân bổ và chuyển bộ phận xử lý rác về tỉnh Long An.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, TPHCM và tỉnh Long An đã có sự thống nhất là đưa rác về những vùng đất không thể phát triển được nông nghiệp hay công nghiệp, xa khu dân cư và đã có biện pháp cụ thể để xử lý rác.
Đồng thời, ông Đông cho hay, thành phố đã có chủ trương chuyển rác thải từ bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) về bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) để xử lý. Tại đây, đã có một doanh nghiệp tư nhân đầu tư phân loại rác và tiến hành sản xuất điện từ rác.
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nhận định, hiện tại TPHCM nên ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo từ rác thải. Riêng năng lượng gió cần được nghiên cứu và lên kế hoạch cụ thể vì tại nơi thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng này là huyện Cần Giờ thì tốc độ gió chỉ đạt 6 m/giây, sẽ không mang lại hiệu quả cao. |