(KTSG Online) - Theo Thường trực Ủy ban kinh tế, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá.
- Đấu giá 500 thửa đất đón đầu dự án Vành đai 4 (Hà Nội)
- TPHCM phê duyệt kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm trong năm 2024
Tiếp tục phiên họp ngày 14-3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, TTXVN đưa tin.
Liên quan đến tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, Thường trực Ủy ban kinh tế cho rằng, việc nâng mức tiền cọc đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn.
Quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5-20% của luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt cọc tham gia đấu giá. Theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.
Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản. Trong đó có những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.
Việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá nhưng bỏ tiền cọc phải được xử lý bằng các hình thức khác, không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản.
Về tài sản đấu giá, Thường trực Ủy ban kinh tế nhận thấy cả luật hiện hành và dự thảo đều có quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá và áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá cho các loại tài sản này.
Liên quan đến thông tin về tài sản và công bố thông tin, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực tế có thể có một số vướng mắc. Cụ thể, như theo dự thảo luật, mỗi tài sản phải ghi rõ tên người có tài sản đấu giá, thông tin về tài sản đấu giá. Tuy nhiên, nhiều cơ quan tổ chức đấu giá ghi thông tin tài sản là bất động sản chỉ ghi lô đất, bản đồ, dẫn đến khó khăn trong theo dõi và quản lý. Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội đề nghị cần quy định ghi thông tin tài sản theo đường phố để dễ theo dõi.
Báo cáo tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản của luật hiện hành, tăng 16 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.