Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nắng nóng gây sức ép lên doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Làn sóng nhiệt xuất hiện khắp các khu vực lớn trên toàn cầu đang gây căng thẳng cho lưới điện và khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ đóng cửa hoặc giảm hoạt động.

Nắng nóng đang gây các đám cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử ở Canada, khiến một số công ty dầu mỏ ở tỉnh Alberta giảm hoạt động và các nhà máy gỗ xẻ ở tỉnh Quebec đóng cửa. Ảnh: Reuters

Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), đợt nắng nóng hiện tại đang ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người dân trên khắp nước Mỹ. Một chuỗi ngày có nhiệt độ trung bình cao hơn 43 độ C đang “thiêu đốt’ thành phố Phoenix, bang Arizona và một đợt nắng nóng kéo dài đang "tra tấn" bang Texas và các khu vực khác của miền nam nước Mỹ.

Sóng nhiệt cũng đang quét qua khu vực Nam Âu, với nhiệt độ vượt 40 độ C ở Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Hơn một chục thành phố của Ý, bao gồm Rome và Florence được đặt trong tình trạng báo động đỏ về nhiệt độ cực cao. Chính quyền thành phố thủ đô Athens của Hy Lạp đã đóng cửa ngôi đền nổi tiếng Parthenon khi nhiệt độ vượt 40 độ C.

Các nghiên cứu về tác động của những đợt nắng nóng gần đây cho thấy tình trạng này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

“Có những tín hiệu khá rõ ràng cho thấy sản lượng kinh tế sẽ thấp hơn trong những năm có nhiệt độ nóng hơn. Nhiệt độ quá cao làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và có thể gây tổn hại cho khả năng học tập ở trường vì mọi người không sử dụng trí não hiệu quả trong cái nóng”, Derek Lemoine, nhà kinh tế tại Đại học Arizona (Mỹ), người nghiên cứu về hậu quả kinh tế của biến đổi khí hậu nói.

Một nghiên cứu năm 2018 về tác động của nhiệt độ tăng đối với nền kinh tế Mỹ, được công bố trên Tạp chí tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, cho biết nhiệt độ trung bình mùa hè tăng 1 độ F (tương đương 0,38 độ C) có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng năm của một tiêu bang của Mỹ từ 0,15 đến 0,25 điểm phần trăm.

Cho đến nay, có rất ít các sự cố nghiêm trọng xảy ra ở lưới điện hoặc ở những hạ tầng khác ở Mỹ, một dấu hiệu cho thấy giới chức trách đã có thể quản lý được nhiệt độ khắc nghiệt. Tuy nhiên, áp lực đang dồn lên vai các doanh nghiệp nhỏ và người dân.

Hồi tháng 6, máy điều hòa nhiệt độ ở nhà hàng Burger Fresh & More ở Conroe, bang Texas, bị hỏng khi nhiệt độ tăng lên đến 48 độ C ở khu vực nhà bếp. Nhân viên của nhà hàng phải sử dụng khăn lạnh và máy quạt phun sương để tiếp tục làm việc trong khi chờ  một hệ thống điều hóa mới được lắp đặt, với chi phí 12.450 đô la Mỹ.

“Chúng tôi phải tìm kiếm một khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ để trang trải chi phí lắp đặt này vì chúng tôi chỉ là một công ty nhỏ”, Karen Swearingen, quản lý của Burger Fresh & More nói.

Đợt nắng nóng hiện tại đang thử thách mạng lưới điện cũ kỹ của Mỹ, vốn đang đứng trước đòi hỏi truyền tải nhiều năng lượng hơn để chạy máy điều hòa không khí mà không cần dừng hoạt động trong thời gian dài để bảo trì theo định kỳ.

Một dự báo của North American Electric Reliability Corporation, một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi sức khỏe của các lưới điện lớn, cho biết phần lớn nước Mỹ có thể đối mặt với tình trạng mất điện vào mùa hè này. Hội đồng Độ tin cậy điện của bang Texas, cơ quan điều hành lưới điện của bang này, cho biết nhu cầu điện trong tuần qua đạt mức cao kỷ lục.

“Các đường dây điện chỉ có thể truyền tải một lượng điện năng nhất định và về cơ bản, chúng bị hạn chế công suất trong điều kiện nhiệt  cao. Nếu nhiệt độ qua nóng, chúng sẽ bắt đầu chùng xuống và có thể làm chạm vào cây cối dẫn đến chập mạch”, Kyri Baker, trợ lý giáo sư kỹ thuật kiến trúc của Đại học Colorado Boulder nói.

Hiệp hội hỗ trợ năng lượng liên bang (Neada) ước tính, hóa đơn tiền tiền của các hộ gia đình Mỹ sẽ tăng 11% lên mức trung bình 578 đô la trong 3 tháng mùa hè hiện tại, so với mức 517 đô la vào mùa hè năm ngoái.

“Nếu sóng nhiệt tiếp tục duy trì, sẽ có những người dân không có đủ tiền cho chi phí máy điều hòa. Số tiền tăng thêm trong hóa đơn điện lẽ ra có thể chi tiêu cho những thứ khác để giúp nền kinh tế phục hồi”, Mark Wolfe, giám đốc của Neada nói.

Mary Swindell, người điều hành Dancing Dogs, chuyên mở các lớp huấn luyện chó ngoài trời ở Boyd, Texas đã phải hủy ít nhất một nửa số buổi huấn luyện vì nhiều con chó không thể chịu được nhiệt độ cao. Uớc tính, doanh thu của Dancing Dogs giảm 3.000 đô la do nhiều buổi học bị hủy.

Trong vài năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu được cân bằng nhờ tác động làm mát của mô hình thời tiết La Nina kéo dài ba năm ở Thái Bình Dương. Giờ đây, mô hình ngược lại, được gọi là hiện tượng El Niño đang xuất hiện mang dòng nước ấm đến phía đông Thái Bình Dương và tác động đến các kiểu thời tiết trên toàn cầu.

Tháng trước là tháng 6 nóng nhất của thế giới trong dữ liệu theo dõi khí hậu toàn cầu kéo dài 174 năm của Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA).

Gernot Wagner, nhà kinh tế khí hậu tại Trường Kinh doanh Columbia (Mỹ), cho biết nhiệt độ cực cao có thể kích hoạt hành vi phi lý trí và có thể gây ảnh hưởng về mặt kinh tế.

“Khi nhiệt độ tăng mạnh, các vụ tai nạn xe hơi, các vụ cãi cọ trên đường phố, bạo lực gia đình và các vụ hành hung cũng gia tăng. Một rủi ro lớn của các đợt nắng nóng kéo dài là chúng có thể đẩy các hệ sinh thái tới các điểm tới hạn, chẳng hạn như các sông băng tan chảy, mà có thể không thể đảo ngược, dẫn đến tác hại kinh tế trên diện rộng”, ông nói.

Canada, nơi đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử, chứng kiến nhiệt độ kỷ lục ở phía bắc đất nước. Hỏa hoạn làm giảm sản lượng ở tỉnh giàu dầu mỏ Alberta và đóng cửa các nhà máy gỗ xẻ ở Quebec.

Các thương nhân và nhà phân tích lo ngại, các đám cháy rừng có thể đẩy giá gỗ xẻ tăng cao trong mùa xây dựng cao điểm. Tại tỉnh Quebec, nơi cháy rừng đã tạo ra hiện tượng khói mù trên bầu trời hồi tháng 6, Công ty Resolute Forest Products đã tạm thời đóng cửa bốn xưởng cưa.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới