Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Á lao đao trong đợt nắng nóng khắc nghiệt

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nắng nóng kỷ lục xuất hiện nhiều nơi tại châu Á giữa lúc các nhà khoa học khí hậu dự báo năm 2023 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử thế giới.

Tài xế taxi đổ nước lên mặt để làm dịu cơn nóng trong một buổi chiều nóng bức ở Kolkata, Ấn Độ hồi tháng 4. Ảnh: ANI

Trong một dấu hiệu đáng ngại trước mùa hè ở bán cầu bắc, kiểu thời tiết El Nino đang xuất hiện, đẩy nhiệt độ lên các mức cao chưa từng thấy ở các khu vực phía nam của lục địa châu Á.

Hôm 7-5, Việt Nam ghi nhận độ cao nhất từ ​​trước đến nay là 44,2 độ C ở tỉnh Nghệ An. Lào chứng kiến nhiệt độ lên mức cao kỷ lục 43,5 độ C ở tỉnh Luang Prabang vào ngày 6-5.  Tại Thái Lan, nhiệt độ cao nhất trong lịch sử 45,4 độ C xuất hiện ở tỉnh Tak vào ngày 15-4.  Trong khi đó,  Philippines cắt giảm giờ học sau khi chỉ số nhiệt đạt đến vùng nguy hiểm, phản ánh sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm có khả năng gây chết người.

Nhiệt độ thiêu đốt gia tăng trong vài năm qua và đang đưa thế giới vào mẫu hình khí hậu khắc nghiệt chưa từng có tiền lệ. Thời tiết ngột ngạt đang thử thách năng lực của các chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời ngăn chặn rủi ro gián đoạn lớn đối với sản xuất nông nghiệp và điện ở các nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau sự tàn phá của Covid-19.

Hiện tượng thời tiết El Nino, với đặc trưng là nhiệt độ nước biển ấm hơn trên khắp Thái Bình Dương, gây ra tác động sâu rộng đến các kiểu thời tiết trên khắp thế giới. El Nino có thể mang lượng mưa dồi dào đến các khu vực khô hạn ở Argentina và miền nam nước Mỹ, nhưng sẽ đặt các khu vực ở châu Á và Úc vào các điều kiện nóng hơn, khô hơn. Cây cà phê, mía, dầu cọ và ca cao sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trong kiểu thời tiết này.

Trong suốt tuần trước, nhiệt độ ở Thái Lan duy trì trên 40 độ C ở nhiều khu vực miền bắc và miền trung, đẩy nhu cầu điện lên đỉnh cao mới. Một nhóm các doanh nghiệp và ngân hàng đã yêu cầu chính phủ Thái Lan chuẩn bị kế hoạch hành động để đối phó với một đợt hạn hán tiềm ẩn mà họ cho rằng có thể kéo dài trong ba năm.

Lượng mưa ở Malaysia được dự báo sẽ thấp hơn tới 40% ở một số khu vực, có thể khiến hoạt động sản xuất dầu cọ gặp rủi ro.  Giới chức trách Malaysia đang theo dõi chặt chẽ nguy cơ cháy rừng và ô nhiễm không khí. Năm 2015, các vụ cháy rừng ở Malaysia và Indonesia do hiện tượng El Nino đã gây ra khói mù đặc biệt nghiêm trọng và là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở Đông Nam Á.

Nắng nóng khiến lượng bệnh nhi nhập viện điều trị tăng cao. Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM vào ngày 4-5. Ảnh: ĐVCC

Nhiệt độ thiêu đốt cũng tấn công nhiều nơi ở Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh trong những tuần gần đây. Tháng trước, tỉnh Vân Nam, một trung tâm sản xuất nhôm lớn ở phía tây nam Trung Quốc, hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thập niên. Ấn Độ cảnh báo nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tháng 5, sau khi nhiệt độ tăng cao vào tháng 4, khiến nhiều trường học phải đóng cửa và ít nhất 11 người chết do sốc nhiệt sau khi tham dự sự kiện trao giải thưởng cho một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở bang Maharashtra.

Tiến sĩ Wang Jingyu, giáo sư của Viện Giáo dục quốc gia Singapore, cho biết tháng trước là “tháng 4 nóng nhất ở châu Á”.

Ông cho rằng sức nóng dữ dội này do hiện tượng El Nino sắp quay trở lại và những tác động của nó gồm lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng.

Năm 2022 cũng được coi là năm nóng nhất trong 122 năm ở Ấn Độ. Giờ đây, nắng nóng đã xuất hiện trở lại vào đầu năm nay với hơn 60% diện tích Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ tối đa trên mức bình thường trong tháng 4, theo Cục Khí tượng của nước này. Tần suất ngày càng tăng của những đợt nắng nóng như vậy có thể ngăn chặn hoặc thậm chí đảo ngược tiến bộ của Ấn Độ trong việc giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện thu nhập cũng như bình đẳng giới, gây tổn hại đến chất lượng cuộc sống của hơn 1,4 tỉ người dân Ấn Độ.

Sóng nhiệt ở Ấn Độ vào 2015 làm chết 2.330 người, khiến Bộ Quản lý thiên tai Ấn Độ phải đưa các hướng dẫn để ngăn ngừa tử vong trong các đợt nắng nóng và thúc đẩy các bang của Ấn Độ xây dựng kế hoạch ứng phó của riêng họ.

Các chuyên gia cảnh báo nếu các kế hoạch hành động chống nắng nóng thích hợp không được xây dựng, nhiệt độ quá cao có thể khiến Ấn Độ thiệt hại lần lượt là 2,8% và 8,7% GDP vào năm 2050 và 2100. Đây là một xu hướng đáng lo ngại, đặc biệt khi Ấn Độ hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế 10 nghìn tỉ đô la vào năm 2030.

Theo Bloomberg, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới