(KTSG Online) – Chính phủ đặt mục tiêu nâng quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu lên mức 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký đã phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 với mục tiêu đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.
Với thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững.
Về thị trường chứng khoán, Chính phủ sẽ phát triển thị trường theo hướng ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.
Theo đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu lần lượt đạt mức 100% và 120% GDP tới năm 2025 và 2030.
Dư nợ thị trường trái phiếu lần lượt đạt mức tối thiểu 47% và 58% GDP vào năm 2025 và 2030. Còn dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp lần lượt đạt mức tối thiểu 20% GDP và 25% trong cùng năm.
Về thị trường bảo hiểm, Chính phủ sẽ phát triển toàn diện thị trường để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
Doanh thu ngành dự kiến tăng trưởng bình quân 15% một năm trong giai đoạn 2021-2025. Với mức tăng trưởng này, quy mô ngành đạt khoảng 3% đến 3,3% GDP vào năm 2025.
Tới giai đoạn 2026-2030, tăng trưởng doanh thu bình quân ngành là 10% một năm, quy mô ngành đạt khoảng 3,3% đến 3,5% GDP vào năm 2030.
Với ngân sách, Chính phủ đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.
Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP hàng năm trong giai đoạn 2021-2025 và không thấp hơn khoảng 16-17% GDP hàng năm trong giai đoạn 2026-2030. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí lần lượt trong khoảng 13-14% GDP và 14-15% GDP trong hai giai đoạn này.
Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến trong khoảng 85-86% vào năm 2025 và khoảng 86-87% vào năm 2030. Trước đó, tỷ trọng thu nội địa trong cơ cấu tổng thu ngân sách nhà nước bình quân đạt 68% GDP hàng năm trong giai đoạn 2011-2015, tăng lên 81,6% trong giai đoạn 2016-2020.
Về chi, Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, ưu tiên chi đầu tư phát triển và đảm bảo nguồn lực cho chi trả nợ. Đồng thời, tăng cường nguồn lực ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia và tăng chi đầu tư phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, tỷ trọng chi thường xuyên chiếm khoảng 62-63% trong tổng chi ngân sách bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025. Còn tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 28%.
Ngoài ra, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.
Giai đoạn 2026-2030, Chính phủ tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tích lũy từ ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển.
Về nợ công, trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP trong giai đoạn 2021-2025, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Về quản lý giá, đẩy mạnh thực hiện cơ chế quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.
Đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đảm bảo kết nối dữ liệu đến các bộ, ngành, địa phương.