Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năng suất lao động thấp “nóng” nghị trường Quôc hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năng suất lao động thấp “nóng” nghị trường Quôc hội

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Trong khi các đại biểu Quốc hội cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thấp và cần được cải thiện.  Trong khi đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thấp còn do cách tính và người lao động có khoản thu nhập không chính thức và chưa được tính đến.

Năng suất lao động thấp
Công nhân một nhà máy đang làm việc. Ảnh minh họa: Vân Ly

Năng suất lao động của Việt Nam thấp 

Thảo luận ở hội trường Quốc hội về kinh tế – xã hội vào ngày 26-5, ông Nguyễn Như So, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Ninh cho rằng, câu chuyện tăng năng suất lao động đã được nhắc đến trong thời gian qua và cần phải xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, là đòn bảy phát triển kinh tế bền vững. Năng suất lao động ở nước ta ở mức thấp, chỉ bằng 7% Singapore, 17,6% Malaysia và 36% của Thái Lan, thậm chí còn thấp hơn cả Lào.

“Nước ta đang mất dần lợi thế của lao động rẻ, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy chúng ta cần có cách nhìn đúng đắn và toàn diện trong hoạch định chính sách, thúc đẩy tăng trưởng năng suất, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cải thiện trình độ kỹ thuật lao động. Khuyến khích đầu tư khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu sang hoạt động có giá trị gia tăng, nâng cao đóng góp vào năng suất các nhân tố tổng hợp”, ông So nói.

Ông Hoàng Đức Thắng đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị cho biết, báo cáo của Chính phủ cho biết năng suất lao động xã hội năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011 – 2017 tăng 4,7%/năm.

Ông Thắng nói: “Mặc dù năng suất lao động Việt Nam có cải thiện đáng kể theo hướng tăng dần của từng năm. Tuy nhiên, tính theo sức mua tương đương năm 2011 năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng 7,2% của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia, 55% của Philippines và 93,2% của Lào”.

Ông Thắng đặt câu hỏi vậy lao động Việt Nam đang ở đâu trong thế giới cách mạng công nghiệp 4.0 này? Ông Thắng cho rằng sẽ là quá muộn cho một sân chơi kinh tế mà ở đó luật chơi không dành cho những ai không chuẩn bị đầy đủ cho mình tâm thế của người trong cuộc và vào cuộc với tất cả phẩm chất cần có. Chất lượng lao động phản ánh trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng và kỷ luật lao động.

Ông Thắng đề nghị Chính phủ cần có cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá, nhận diện đầy đủ về tình hình chất lượng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang khó, thiếu, yếu điểm nào để từ đó khẩn trương xây dựng chiến lược hệ thống chính sách, giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng năng suất lao động nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa hơn.

Còn ông Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa trong phần phát biểu của mình cho biết trong điều kiện năng suất lao động thấp, tốc độ tăng tiền lương bình quân nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Năng suất lao động tăng 4,4% nhưng tiền lương trong khu vực công tăng 8% và khu vực có quan hệ lao động tăng 12,2%, đây là nghịch lý.

Trên cơ sở đó ông Lợi kiến nghị Chính phủ 3 vấn đề. Một là tập trung giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động. Hai là phải chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành lĩnh vực có năng suất thấp sang lĩnh cực lao động có năng suất cao. Ba là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động bao gồm đầu tư công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề và quản trị doanh nghiệp.

Chưa tính đến thu nhập không chính thức

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, các chuyên gia cho rằng chúng ta áp dụng phương pháp tính chung phù hợp với xu hướng quốc tế. Song qua trao đổi thấy rằng, năng suất lao động của chúng ta có thể cần phải tính toán lại một cách cụ thể. Chúng ta chưa tính hết kinh tế ngầm, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức. Nếu làm được điều này, năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này.

Ông Dung cho hay, thời gian vừa qua chúng ta tập trung giải quyết việc làm trong nước đạt 1.639.751 người, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 134.000 người..

Ông đánh giá lao động Việt Nam thời gian qua có nhiều tiến bộ. Trước hết chuyển dịch lao động theo hướng tích cực hơn. Hết tháng 4 năm 2018, lao động khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 38,6%. Số lao động làm việc làm công ăn lương có quan hệ lao động tăng dần, tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%. Tỉ lệ lao động thất nghiệp thành thị thấp hơn so với chỉ tiêu.

Ông Dung thừa nhận: “Tuy nhiên, nhìn tổng thể cho thấy, tính bền vững của việc làm không cao, kể cả về thu nhập, môi trường lao động an toàn, nới dỡ các chính sách an sinh xã hội. Thị trường lao động chưa hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỉ lệ cao, thiếu 2 nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực.”

Thêm nữa việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn, thất nghiệp tỉ lệ cao. Hiện nay bình quân là khoảng trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Ông Dung cho rằng, đứng ở quản lý nhân lực, nhìn vào năng suất lao động thấp, theo khách quan là có chuyển biến.

Ước tính cho đến nay đạt 93,2 triệu đồng/lao động, nếu tính theo giá hiện hành thì tăng 6,6% so với năm 2016. Nếu nhìn trên tốc độ tăng thì cao. Nhưng bình quân 10 năm qua thì tăng 4,4 mà khu vực công nghiệp chỉ bằng 3,8% dưới mức trung bình. Năng suất lao động chung của các ngành kinh tế bằng 1/3 khu vực công nghiệp. Năng suất lao động công nghiệp bằng 1/4 khu vực dịch vụ. Đây là bức tranh tổng thể về năng suất lao động của chúng ta.

Ông Dung cho hay thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung sớm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 27, 28 về cải cách tiền lương. Giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp để thúc đẩy năng suất lao động. Chính phủ đang chỉ đạo tập trung 3 đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động sẽ triển khai trong quí 3 tới. Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Mời xem thêm:

Đại biểu Quốc hội: “Cần một chiến lược thu hút FDI mới”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới