Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng tầm tín dụng xanh

Tâm Dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cùng với tăng trưởng xanh, tín dụng xanh là bộ phận không thể tách rời của tiến trình “greening/xanh hóa” nền kinh tế.

Tại Việt Nam, khung pháp lý chuyên ngành về tín dụng xanh đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức khởi động từ khá sớm, với một số văn bản chỉ đạo có tính nền tảng như Chỉ thị 03/CT-NHNN 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định 1604/QĐ-NHNN 2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh; Thông tư 17/TT-NHNN 2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Việt Nam cũng đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế... Từ đó phát đi thông điệp rõ ràng, Việt Nam khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động tham gia vào tiến trình mục tiêu Net Zero theo định hướng phát triển bền vững.

Tín dụng xanh, để đi vào thực chất, cần phòng tránh tình trạng “xanh vỏ, xám lòng”, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao từ những phương án kinh doanh nửa vời, không đến nơi, đến chốn. Ảnh minh họa: TL

Khung pháp lý chung là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các giải pháp để mang lại cơ hội tăng tốc hơn nữa cả về chiều rộng và chiều sâu, quy mô và chất lượng tăng trưởng xanh, trong đó tín dụng xanh được xem như nguồn lực, bệ đỡ, đòn bẩy tài chính rất quan trọng. Những giải pháp đề xuất liên quan đến tăng trưởng xanh, tín dụng xanh nếu chỉ mang tính đơn phương, cục bộ, thiếu liều lượng cần thiết sẽ dẫn đến nguy cơ thực thi kém hiệu quả, không thực sự đi nhanh vào cuộc sống.

Tín dụng xanh, để đi vào thực chất, cần phòng tránh tình trạng “xanh vỏ, xám lòng”, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao từ những phương án kinh doanh nửa vời, không đến nơi, đến chốn. Yêu cầu đặt ra là các bên đổi mới cách nghĩ, cách làm, bảo đảm tính nhất quán, tuân thủ theo một bộ tiêu chí chung thống nhất. Từ cấp điều hành quản lý cho đến cấp tác nghiệp, giữa bên cho vay và đi vay, nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng... cần hướng đến mục tiêu kiến tạo nên một môi trường thuận lợi, hình thành mạng lưới kết nối, tương hỗ lẫn nhau, thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo và những mô hình làm ăn kiểu mới. Đặc biệt, phải xác định rõ sứ mệnh xây dựng văn hóa hành vi tiêu dùng xanh cho mọi tổ chức và cá nhân.

Thách thức lớn nhất đối với các TCTD Việt Nam hiện nay không chỉ là cần hành lang pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ và NHNN, mà còn là chiến lược tự đổi mới nguồn nhân lực và năng lực quản trị nội bộ phù hợp với bối cảnh yêu cầu mới.

Căn cứ vào định hướng của NHNN, nhiều TCTD đã chủ động triển khai quy trình hướng dẫn nội bộ về tín dụng xanh. Tuy nhiên, tính chuẩn mực, chuẩn hóa trong hoạt động này vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, mang tính thống nhất cao để có thể áp dụng chung trên toàn hệ thống. Điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát các dự án tín dụng xanh ngay từ khi khởi sự cho đến lúc đi vào vận hành.

Cũng cần lưu ý, những cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế xanh đang trong xu thế quốc tế hóa rất mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc chủ động cập nhật, lựa chọn và vận dụng phù hợp những sáng kiến, giải pháp mới của thế giới vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta nhằm đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đang là vấn đề mang tính thời sự cấp bách. Thách thức lớn nhất đối với các TCTD Việt Nam hiện nay không chỉ là cần hành lang pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ và NHNN, mà còn là chiến lược tự đổi mới nguồn nhân lực và năng lực quản trị nội bộ phù hợp với bối cảnh yêu cầu mới.

Bên cạnh cơ chế tín dụng xanh, một loạt phát kiến mới để bổ sung năng lực tài chính xanh nhằm cung cấp các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh và các công cụ tài chính khác thúc đẩy sự phát triển của các dự án thân thiện với môi trường đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường vốn khu vực và quốc tế như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, đền bù và tín chỉ carbon...

Các công cụ này bước đầu tạo ra sức hấp dẫn lớn để thu hút đầu tư cả trên lĩnh vực công và tư, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế rộng rãi dành cho các sáng kiến chống biến đổi khí hậu, bổ sung thêm nguồn lực tài trợ ưu đãi cho những đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào chuỗi dây chuyền phát triển nền kinh tế xanh. Đây là cơ hội tốt để các TCTD Việt Nam chủ động tiếp cận, tranh thủ và vận dụng nhằm tăng cường quy mô và hiệu quả, thúc đẩy chiến lược tín dụng xanh của chính mình lên tầm cao mới.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới