Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

NAPAS phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên để thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tại hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” do báo Lao động phối hợp với Vụ Thanh toán NHNN và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc NAPAS đã có bài trình bày về chủ đề “Thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam”.

Mở đầu, ông Minh đã chia sẻ về tổng quan thị trường thẻ tín dụng Việt Nam. Theo dữ liệu Hiệp hội Thẻ Việt Nam năm 2023, thị trường đã có hơn 133 triệu thẻ đang lưu hành. Tổng doanh số sử dụng của thẻ năm 2023 đạt khoảng 3,7 tỉ đồng, trong đó tổng doanh số thanh toán khoảng 1,5 triệu tỉ đồng và doanh số giao dịch rút tiền khoảng 2,2 triệu tỉ đồng.

Tính riêng về thẻ tín dụng, so với các quốc gia khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, số lượng thẻ tín dụng phát hành trên thị trường Việt Nam còn tương đối khiêm tốn, đạt khoảng 11 triệu thẻ và phủ 4% dân số (2022). Trong khi đó, độ phủ của thẻ tín dụng của các quốc gia như Thái Lan là 11%, Trung Quốc là 22%, Malaysia là 23%, Singapore là 51% dân số.

Lãnh đạo NAPAS cũng thông tin thêm, tính đến hết năm 2023, số lượng thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng, công ty tài chính triển khai đạt khoảng 860 nghìn thẻ. Mặc dù doanh số thẻ tín dụng NAPAS năm 2023 tăng trưởng hơn 234% so với năm 2022, nhưng mới chỉ đạt 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường. Thẻ tín dụng NAPAS còn có dư địa phát triển lớn trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc NAPAS kỳ vọng thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tín dụng tiêu dùng cũng như hạn chế vấn nạn tín dụng đen. Đây là loại thẻ cho phép khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày. Thẻ này được thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước, thanh toán trực tuyến (online) mà còn sử dụng thanh toán/rút tiền ở một số quốc gia. Thẻ tín dụng nội địa còn là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, đặc biệt trong trường hợp khách hàng có phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao.

Không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, thẻ tín dụng nội địa còn mang lại lợi ích cho các tổ chức phát hành và tổ chức thanh toán. Với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy thị trường, NAPAS đã xây dựng biểu phí minh bạch, rõ ràng nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia, trong đó biểu phí của NAPAS chỉ quy định phí dịch vụ với mỗi giao dịch và phí chia sẻ (do ngân hàng thanh toán trả cho ngân hàng phát hành), mức phí chia sẻ phù hợp với lợi ích của các bên. Trên cơ sở mức phí thấp, phù hợp nói trên, các đơn vị phát hành sẽ có điều kiện giảm chi phí phát hành thẻ tín dụng nội địa cũng như mở rộng thêm các đối tượng khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng.

Tổng giám đốc NAPAS khẳng định NAPAS sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên để chung tay thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa, góp phần phát triển thị trường thanh toán và hỗ trợ thực hiện mục tiêu quan trọng về chuyển đổi số theo chủ trương của Chính phủ và ngành Ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới