Thứ Hai, 21/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nasdaq đang chờ làn sóng IPO của startup Nhật Bản

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sàn chứng khoán Nasdaq kỳ vọng nhiều công ty khởi nghiệp của Nhật Bản sẽ sớm niêm yết trên sàn này trong năm tới. Bởi lẽ nền kinh tế lớn thứ hai châu Á đang hồi phục và làn sóng thế hệ doanh nhân trẻ muốn xông pha khám phá thị trường bên ngoài.

Doanh nhân trẻ Nhật muốn “làm sản phẩm toàn cầu”

"Nhiều startup Nhật Bản đang quan tâm đến lên sàn Nasdaq. Lớp doanh nhân trẻ cũng nghĩ đến sân chơi toàn cầu nhiều hơn so với thế hệ đi trước. Một số người mà tôi đã gặp chỉ mới ngoài 20 tuổi. Có một thế hệ doanh nhân trẻ ở Nhật không chỉ tập trung xây dựng sản phẩm, dịch vụ hoặc triển khai chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng Nhật Bản. Họ đang làm cho cả thế giới”, Bob McCooey, Phó chủ tịch phụ trách niêm yết quốc tế của Nasdaq nói với Nikkei Asia nhân chuyến công tác tại Tokyo.

Nasdaq đang kỳ vọng làn sóng các công ty Nhật Bản sớm niêm yết trên sàn này trong năm 2025, nhằm củng cố hồ sơ năng lực quốc tế của họ. Đồ họa: Nikkei Asia

Vị giám đốc người Mỹ không nêu tên cụ thể, nhưng nói rằng các công ty trong các lĩnh vực công nghệ, công nghệ tài chính, năng lượng tái tạo và khoa học đời sống là những ứng cử viên tiềm năng cho các đợt chào bán công khai lần đầu (IPO).

Ông cũng nhấn mạnh rằng một số doanh nghiệp đang bắt đầu vạch ra một lộ trình khác với các công ty lớn thường thống trị thương mại trong nước. "Có những công ty Nhật Bản đã bắt đầu làm phần mềm thay vì phần cứng. Đó chính là điều mới mẻ", McCooey nói.

Một số startup Nhật Bản đang gọi vốn trên toàn cầu, như startup Sakana AI do những nhân viên từng làm việc cho Google thành lập. Sakana AI sử dụng các khái niệm của thuyết tiến hóa và chọn lọc tự nhiên để xây dựng ba mô hình AI tạo sinh (GenAI) với chi phí thấp hơn thông thường.

Kyoto Fusioneering, startup về phản ứng tổng hợp hạt nhân, nằm trong số những công ty có khả năng niêm yết trên Nasdaq. Sàn giao dịch tiền điện tử Coincheck cũng lên tiếng về ý định niêm yết trên Nasdaq. Startup thám hiểm mặt trăng iSpace đã IPO đã lên sàn Tokyo (TSE) năm ngoái, nhưng nói rằng có thể niêm yết đợt nữa tại Mỹ.

Nasdaq đang chờ các thương vụ IPO lớn

"Cho đến nay, vẫn chưa có đợt IPO nào của Nhật Bản mang tính đột phá”, theo nhận xét của Drew Bernstein, đồng chủ tịch của MarcumAsia, hãng kế toán chuyên về các đợt IPO xuyên biên giới. Các đợt IPO trước đây của Nhật Bản có xu hướng nhỏ hơn về quy mô, với ít sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.

Tuy nhiên, có một số công ty đang trong quá trình phát triển có quy mô lớn hơn, Bernstein nói. Chỉ cần một “đứa con tinh thần” là có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và tạo đà cho các công ty Nhật Bản khác cảm thấy thoải mái khi đi theo con đường đó. Ông cũng lưu ý rằng các startup đầy tham vọng nên cân nhắc niêm yết toàn cầu để nâng cao uy tín quốc tế và thu hút nhân tài hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.

Yutaka Yuguchi, người đứng đầu nhóm tư vấn thị trường vốn toàn cầu tại KPMG Japan, là một chuyên gia về IPO xuyên biên giới. Ông dự kiến sẽ có các đợt IPO lớn của Nhật Bản trên Nasdaq.

"Trước đây, Nasdaq được coi là nơi dành cho các công ty không thể lên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE). Nasdaq dễ gia nhập hơn nhưng khó duy trì hơn so với TSE, sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Nhật Bản. Ngày nay, nhiều công ty cân nhắc cả hai lựa chọn. Chỉ còn là vấn đề thời gian. Bạn sẽ sớm thấy một công ty lớn của Nhật Bản niêm yết tại Mỹ”, ông nói.

Yuguchi so sánh sự phát triển của IPO với sự phát triển của bóng chày chuyên nghiệp ở Nhật Bản. Trước đây, những cầu thủ Nhật Bản giỏi nhất chỉ thi đấu ở giải quốc nội. Nhưng sau khi hai cầu thủ Hideo Nomo và Ichiro Suzuki chuyển sang thi đấu ở Giải bóng chày nhà nghề Mỹ, chuyện các ngôi sao bóng chày hàng đầu của Nhật Bản đến Mỹ là rất bình thường.

Theo truyền thống, các công ty Nhật Bản như Toyota Motor, Honda Motor và Sony ưu tiên IPO trong nước, chuyện lên Sàn giao dịch chứng khoán New York chỉ là bước thứ yếu. Tuy nhiên, lớp quản lý trẻ người Nhật thường có thế giới quan khác và có khả năng chuyển hướng ra nước ngoài để phát triển.

Đối với startup châu Á khác, việc niêm yết tại Mỹ giúp họ được sự công nhận toàn cầu. Cho đến gần đây Trung Quốc vẫn là động lực chính thúc đẩy niêm yết tại Mỹ, nhưng nay mọi chuyện đã khác.

Công ty trò chơi Sea và hãng gọi xe Grab của Singaproe đã lần lượt niêm yết trên NYSE và Nasdaq trong vài năm trở lại đây. Còn hãng xe điện Vinfast trở thành công ty Việt Nam lớn đầu tiên niêm yết trên Nasdaq. Nhà xuất bản truyện tranh kỹ thuật số Webtoon thuộc Naver ở Hàn Quốc đã IPO trên Nasdaq vào tháng 6-2024. Trong khi đó, chuỗi khách sạn Hotel 101 của Philippines sẽ niêm yết trên Nasdaq vào cuối năm nay.

"Chúng tôi đã không còn tập trung vào Trung Quốc nữa. Tất cả các đợt niêm yết đều đến từ Trung Quốc trong suốt những năm 2010. Tiếp đó bốn hay năm năm, xu hướng lên sàn Mỹ chuyển sang các nước Đông Nam Á. Trong hai hoặc ba năm qua, mọi chuyện đã quay lên các nước Bắc Á như Hàn Quốc và Nhật Bản”, McCooey nhận xét.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới