Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nên bỏ kỳ thi trung học phổ thông

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tôi là một giáo sư đại học, tôi cũng có con và không biết bao nhiêu lần tôi ôm mặt mà than sao học sinh bây giờ khổ thế.

Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) năm 2022 đã kết thúc. Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa vội công bố là kỳ thi thành công tốt đẹp mà phải đợi thêm một thời gian nữa, bởi thực tế những năm trước sau khi họp báo công bố hoàn thành một năm thi thành công xuất sắc thì ít lâu sau xuất hiện những tiêu cực không mong muốn, mà vụ gian lận điểm thi động trời ở Hà Giang, Sơn La năm 2018 là hai trong rất nhiều ví dụ cho chuyện này.

Năm nào Bộ GD&ĐT cũng có những cải tiến mới nhằm hạn chế các tiêu cực, năm nay cũng vậy. Những quy định mới như tập trung túi xách, điện thoại, tư trang ở một nơi duy nhất tại một điểm thi mà không để ở hành lang như trước nữa; học sinh vào phòng thi phải đựng dụng cụ vào túi nylon trong suốt để giám thị dễ quan sát.

Cho đến hôm nay chưa có gì nghiêm trọng xảy ra nhưng không phải không có chuyện xì xào như lộ đề thi môn văn, môn toán, và có thể có những gì nữa thì chưa biết được. Thậm chí đến Đen Vâu cũng bị dân mạng soi cho là anh tiên đoán đề vì cho rằng trong bài rap của anh một tháng trước có hình ảnh nhân vật chính ngồi câu cá trên chiếc thuyền khiến cho người đi thi liên tưởng đến “Chiếc thuyền ngoài xa” (tác phẩm của Nguyễn Minh Châu xuất hiện trong đề thi môn văn năm 2022). Nhưng có một điều chắc chắn là tỷ lệ học sinh qua kỳ thi tốt nghiệp THPT để trở thành tú tài sẽ trên 95%, thậm chí có địa phương đạt đến 98%.

Từ lâu rồi, rất nhiều chuyên gia và cả đại biểu Quốc hội đặt ra chuyện có cần thiết phải có kỳ thi kết thúc THPT diễn ra rầm rộ trên quy mô cả nước như thế không? Phải nói đó là kỳ thi cực kỳ tốn kém, căng thẳng và mệt mỏi cho tất cả mọi người: cơ quan công quyền, trường học, gia đình, và bản thân học sinh.

Để có một kỳ thi như thế, Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, các trường phải chuẩn bị nhiều tháng trời, tốn kém tiền bạc. Đã có chuyên gia tài chính ước tính ra mỗi kỳ thi như vậy phải chi không dưới 1.000 tỉ đồng. Bộ GD&ĐT và các địa phương huy động một nguồn nhân lực khổng lồ phục vụ cho hơn 1 triệu thí sinh (hàng năm thường dao động từ 1,2-1,3 triệu).

Còn học sinh thì khỏi phải nói, vô cùng vất vả, hầu như tất cả các em phải đi học thêm từ năm lớp 11, vừa học vừa nghe ngóng những thay đổi mới trong quy chế thi, mà năm nào cũng có cái mới. Hai năm học cuối cấp là giai đoạn hành xác và tâm trí của con trẻ. Nhà nào có con học phổ thông chuẩn bị thi cuối cấp đều căng thẳng như đánh trận, cứ xào xáo hết cả lên. Nhà nào kinh tế dư dả, nhiều nhân lực còn đỡ, nhà nghèo, neo người thì đúng là một cực hình.

Không phải vô cớ mà Việt Nam gọi bậc học cuối của hệ thống giáo dục là THPT, điều đó có nghĩa là tất cả những người trẻ được quyền học và cần phải hoàn thành khối lượng kiến thức, kỹ năng cơ bản mang tính phổ thông. Bằng tốt nghiệp THPT nói cho cùng chỉ là giấy thông hành vào đời (giống như căn cước công dân), rằng cá nhân người này có đủ kiến thức của công dân bình thường để tham gia vào các hoạt động lao động phổ thông và đủ điều kiện tham gia các hoạt động chính trị - xã hội hàng ngày diễn ra trên phạm vi quốc gia. Vì thế rất nhiều nước trên thế giới không có bất cứ kỳ thi trung học cơ sở (THCS) và THPT nào như ở Việt Nam, chẳng hạn như Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Na Uy,...

Chính vì không phải chịu áp lực thi cử, thi đua, bằng cấp, phong trào cho nên học sinh của họ đi học rất vui, thoải mái đúng theo tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Cứ nhìn cảnh hàng trăm ngàn học sinh Việt Nam kéo nhau đến Văn miếu Quốc Tử Giám, đến các đền chùa miếu mạo khắp cả nước với nhang đèn, với khuôn mặt nhợt nhạt hốc hác mà đau lòng cho nền giáo dục nước nhà.

Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể cấp bằng tú tài cho học sinh dựa trên kết quả 3 năm học. Kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của một quá trình dài là cơ sở xét kết thúc chương trình học phổ thông một cách khách quan nhất và hợp lý nhất, hơn là dựa trên một kỳ thi diễn ra trong hai ngày.

Một vài vị cho rằng thi THPT chính là thi đại học. Các trường dựa trên kết quả thi THPT để xét vào đại học. Thật ra thì không cần phải như thế. Các trường đại học cho học sinh đăng ký ghi danh vào trường mong muốn. Hội đồng tuyển sinh căn cứ vào kết quả học tập của ba năm cuối phổ thông để tuyển chọn, ngoài ra có thể tổ chức kiểm tra, sàng lọc lấy những học sinh phù hợp với chuyên ngành đào tạo của trường mình.

Việc kiểm tra này xuất phát từ yêu cầu của ngành học, không nhất thiết phải thi ba môn. Chẳng hạn học sinh muốn vào khoa hóa của Đại học Bách khoa, chỉ cần kiểm tra năng lực môn hóa, học sinh muốn vào trường mỹ thuật, thể dục thể thao, nghệ thuật, kiến trúc chỉ cần thi môn năng khiếu là đủ. Hiện nay các trường đại học đã tuyển học sinh qua hai phương thức là lấy kết quả thi năng lực của hai đại học quốc gia TPHCM và Hà Nội; và xét học bạ.

Khi bỏ hai kỳ thi THCS và THPT, ban đầu sẽ có những chuệch choạc, lúng túng, nhưng chắc chắn là nó sẽ tốt hơn kiểu thi quốc gia như hiện nay. Hàng năm các chuyên gia hàng đầu của Bộ GD&ĐT đang cố gắng hết sức mình hoàn thiện cho các kỹ thuật thi cử ngày một nhuần nhuyễn hơn, ít sai lầm hơn. Nhưng cái quan trọng nhất là tại sao lại phải đi gia cố cho một phương thức không cần thiết và lạc hậu so với thời đại.

Đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ nghiêm túc đặt ra vấn đề là chúng ta có cần thiết phải duy trì các kỳ thi vừa tốn kém vừa mang nặng hình thức chủ nghĩa nữa hay không. Nên biết rằng năm nào tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng đạt hơn 97%. Chi bằng bỏ kỳ thi THCS và THPT như nhiều nước đã làm, còn việc tuyển sinh đại học đã đến lúc trả cho các trường. Theo đó, các trường dựa trên năng lực của mình, nhu cầu của thị trường để đưa ra hình thức tuyển chọn đầu vào phù hợp nhất. Bởi chỉ có họ mới biết chính xác mỗi trường cần bao nhiêu, loại học sinh nào và đào tạo như thế nào.

Tôi là một giáo sư đại học, tôi cũng có con và không biết bao nhiêu lần tôi ôm mặt mà than sao học sinh bây giờ khổ thế.

4 BÌNH LUẬN

  1. Bao cấp vẫn tồn tại trong các ngành, kể cả giáo dục. Hãy phân cấp, giao quyền tự chủ cho cơ sở. Cán bộ quản lý chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới. Như vậy, mỗi trường đại học, cấp 3, cấp 2, v.v … mới phát huy được sự sáng tạo. Đầu ra, đầu vào tùy sự quyết định của mỗi trường … cấp trên chỉ quản lý thông qua luật và các văn bản dưới luật .

  2. Tôi thấy nên bỏ ngay và luôn cho dân và nhà nước đỡ tốn kém, nhiều em áp lực thi cử dẫn đến trần cảm, stress, đặc biệt những em học giỏi càng áp lực

  3. Đề xuất rất hợp lý và kịp với thời đại. Các trường có phương thức xét tuyển hay thi tuyển đại học. Tập trung nghiên cứu quản lý đầu ra của đại học

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới