(KTSG Online) - Sóc Trăng dự kiến xây dựng cặp tượng “cá chép hoá rồng” gần 15 tỉ đồng khiến dư luận xôn xao, nhiều người cho rằng chưa cần thiết trong khi tỉnh này còn nghèo; nên tập trung vào các dự án dân sinh cấp thiết cho phục hồi kinh tế sau đại dịch: y tế, giáo dục, môi trường, cung cấp nước sạch phục vụ đời sống người dân...
Thời gian qua, chính quyền địa phương nhiều nơi còn trong danh sách cần thoát nghèo hưởng hỗ trợ các cơ chế, chính sách theo quy định của Chính phủ nhưng vẫn muốn triển khai những dự án được cho là chưa cần thiết và gây lãng phí tốn kém như xây dựng nhà hát, tượng đài, cổng chào, bảo tàng...
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Chỉ thị nêu rõ, tác động đại dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nền kinh tế nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Yêu cầu cắt bỏ các dự án đầu tư chưa cần thiết, kém hiệu quả. Ưu tiên đầu tư phát triển, nhất là về kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu là rất lớn, cấp thiết.
Xây dựng nhà hát, cổng chào, bảo tàng, tượng “cá chép hóa rồng” hay tượng đài tri ân người có công với nước hoặc tuyên truyền là một việc hợp đạo lý nhưng nên phù hợp thời điểm, ưu tiên cho dự án bức thiết.
Chính phủ đang tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, hỗ trợ người dân nghèo và các trường hợp lao động mất việc làm rơi vào cảnh khó khăn. Trong khi ngân sách không dư thừa, không thể dàn trải với dự án chưa cấp thiết. Xây dựng nhà hát, tượng đài, cổng chào, bảo tàng hiện nay dù được lý giải thế nào chăng nữa, sử dụng ngân sách hay có một phần xã hội hóa cũng là tiền phải chi ra, tốn kém công sức các tổ chức và cá nhân.
Phần lớn các địa phương đang được hỗ trợ hưởng cơ chế, chính sách theo quy định của Chính phủ càng hạn chế về kinh phí, thiếu thốn cơ cơ sở an sinh xã hội. Theo đó, cơ sở y tế, trường lớp học, nhà ở công nhân… là những trọng điểm nên tập trung ưu tiên đầu tư.
Nhìn từ hiệu quả và sự cần thiết trong lúc còn nhiều mối lo dân sinh, ngân sách hạn chế với địa phương còn nghèo, thì việc chi ra số tiền làm các dự án chưa cần thiết không phải là thứ tự ưu tiên cấp bách phải làm ngay bây giờ.
Những địa phương khác có ý định làm những dự án tương tự cũng nên xem xét cẩn trọng, dù không hưởng trợ cấp. Giờ chưa phải là lúc, hãy tập trung nguồn lực phục vụ các dự án cấp thiết. Hoãn các dự án chưa cần thiết lúc này sẽ góp phần sớm phục hồi kinh tế địa phương.
Đầu tư có trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án cho tăng trưởng vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, bảo đảm tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Hoãn các dự án chưa cần thiết, không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi có thể đụng chạm đến các nhóm lợi ích. Vì vậy, đòi hỏi cấp lãnh đạo địa phương, đặc biệt người đứng đầu, phải cương quyết đặt lợi ích chung với xã hội lên trên hết.
Hãy ưu tiên những gì thiết thực với cuộc sống hằng ngày mà người dân đang mong chờ như các dự án phục vụ dân sinh, y tế, giáo dục, môi trường, cung cấp nước sạch, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ người nghèo.