Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nền kinh tế Nga thiếu lao động trầm trọng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  - Tình trạng khan hiếm lao động ở Nga đang trở nên trầm trọng hơn do hàng trăm ngàn người từ các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế phải nhập ngũ để phục vụ chiến dich của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine cũng như rời khỏi đất nước để tránh nghĩa vụ quân sự. Thiếu lao động có nguy cơ cản trở tiềm năng tăng trưởng của Nga.

Người dân Nga đi qua biên giới với Georgia hồi tháng 9 năm ngoái để tránh lệnh tổng động viên một phần. Ảnh: Reuters

Phân tích của Bloomberg Economics, dựa vào dữ liệu của Cục Thống kê liên bang Nga (FSS) cho thấy số lượng binh sĩ Nga tăng thêm gần 400.000 người vào năm ngoái sau khi Tổng thống Vladimir Putin ban hành lệnh tổng động viên một phần để huy động 300.000 quân nhân dự bị.

Theo nhà kinh tế Nga Alexander Isakov, tổng số người nhập ngũ mới thực tế ở Nga hồi năm ngoái có thể đã vượt con số nửa triệu. Đó là vì dữ liệu chưa tính đến lượng tuyển dụng binh sĩ mới để lấp khoảng trống cho nhóm quân nhân hoàn thành nghĩa vụ và trở về nước sau khi tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine vào giai đoạn đầu. Dữ liệu cũng không xét đến hoạt động tuyển dụng của các công ty quân sự tư nhân, chẳng hạn như nhóm lính đánh thuê Wagner.

Theo các nguồn thạo tin, Điện Kremlin đặt mục tiêu tuyển dụng thêm 400.000 tân binh phục vụ ngắn hạn trong năm nay để chiến đấu ở Ukraine khi Tổng thống Putin chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Ông Putin đã phê duyệt kế hoạch tăng quy mô biên chế binh sĩ Nga từ 1,15 triệu lên 1,5 triệu người, một mục tiêu có thể phải đến 2026 mới đạt được.

Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn người Nga trong độ tuổi quân dịch đã rời khỏi đất nước sau khi Tổng thống Putin ban hành lệnh tổng động viên một phần hồi tháng 9-2022. Tình trạng đó có thể khiến dân số trong độ tuổi lao động của Nga giảm 6,5% trong thập niên tới. Cuối năm ngoái, ngân hàng trung ương Nga cảnh báo “khả năng mở rộng sản xuất trong nền kinh tế Nga phần lớn bị hạn chế bởi các điều kiện thị trường lao động”.

Khoảng 1/3 các lĩnh vực kinh tế mà FSS theo dõi chứng kiến sự sụt giảm số lượng việc làm vào năm ngoái. Tuy nhiên, các hoạt động tuyển dụng tân binh đã bù đắp gần như tất cả các tác động tiêu cực đối với tỷ lệ thất nghiệp tổng thể. Lệnh nhập ngũ và hoạt động tuyển dụng của các công ty quân sự tư nhân kết hợp với làn sóng người Nga di cư khỏi đất nước, dẫn đến sự sụt giảm lực lượng lao động nam và sự thiếu hụt lao động trong nhiều ngành công nghiệp.

Các nhà hoạch định chính sách ở Moscow nhiều cảnh báo tình trạng thiếu lao động, vốn ngày càng trầm trọng, đang cản trở nền kinh tế Nga trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm cách điều chỉnh để ứng phó các lệnh trừng phạt quốc tế.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đã giảm xuống mức 3,6% trong tháng 1, trong khi tiền lương thực tế tăng trong ba tháng cuối năm 2022 do khan hiếm lao động.

Theo nhà kinh tế Isakov, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Nga tăng trung bình thêm 2,4 điểm phần trăm trong ba cơn suy thoái kinh tế gần đây nhất, con số thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong năm 2022 và đang tiếp tục giảm.

Isakov cho rằng có 3 lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm. Đầu tiên, sự gia tăng chi tiêu công của Điện Kremlin trong năm ngoái đã mở rộng công suất của hầu hết các lĩnh vực, đáng chú ý trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng liên quan đến quốc phòng. Thứ hai, tình trạng mất việc làm trong các lĩnh vực có tính chu kỳ cao, chẳng hạn như bán lẻ, phần lớn được bù đắp bằng sự gia tăng việc làm trong lĩnh vực quân sự và khu vực công. Thứ ba, nhập khẩu của Nga giảm mạnh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến ở Ukraine, giúp tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất trong nước tăng lên, động lực để họ giữ chân nhân viên.

Theo Natalia Danina, trưởng bộ phận phân tích tại HeadHunter, một công ty tuyển dụng ở Nga, số lượng vị trí tuyển dụng tăng hàng tháng đã vượt qua lượng hồ sơ xin việc mà công ty này nhận được trong tháng 2, lần đầu tiên trong 12 tháng qua. Danina cho biết các chỉ số về nguồn cung lao động có thể đang quay trở lại mức từng thấy sau đại dịch Covid-19 ở Nga vào năm 2021 khi tình trạng thiếu hụt nhân lực trở nên nghiêm trọng.

Danina nói: “Tỷ lệ thất nghiệp thấp, kết hợp với tình trạng thiếu nhân lực, đang cản trở quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế Nga. Không có nguồn cung lao động để đáp ứng nhu cầu mở rộng của một số lĩnh vực, trong khi đó, những người đang có việc làm ngại chuyển đổi công việc vì các điều kiện khó khăn bên ngoài”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới